Cảnh cáo 17 nhà thầu vì để dự án cao tốc Bắc – Nam chậm tiến độ

Bộ GTVT vừa thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội tiến độ triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, dự án trên có 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án thành phần đầu tư công và 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công, tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Với các dự án thành phần đầu tư công, Bộ GTVT cho biết đã khởi công và cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Riêng có dự án Cam Lộ - La Sơn chậm so với kế hoạch khoảng 8%, do nhà thầu không huy động được nhân lực máy móc; ảnh hưởng của dịch COVID-19 và lũ lụt.

Căn cứ quy định hợp đồng, Ban quản lý dự án Cam Lộ - La Sơn có văn bản cảnh cáo đối với 17 nhà thầu, khiển trách 7 nhà thầu; đồng thời yêu cầu nhà thầu thay thế chỉ huy trưởng công trường đối với một nhà thầu, điều chuyển khối lượng đối với 1 nhà thầu. Tuy nhiên, một số gói thầu dự án Cam Lộ - La Sơn vẫn còn gặp khó khăn về mặt bằng và có nguy cơ phải kéo dài thời gian hoàn thành toàn bộ dự án.

Các nhà thầu thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG

Các dự án PPP, Bộ GTVT cho biết nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đang đàm phán với ngân hàng để ký kết hợp đồng tín dụng cho vay, đồng thời triển khai phương án huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án.

Theo Bộ GTVT, khó khăn lớn hiện nay của dự án là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Thủ tướng có nhiều công điện chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các Tập đoàn EVN, VNPT, Viettel… tuy nhiên hiện nay vẫn đang còn khoảng 10,46 km chưa được bàn giao.

Một số dự án còn vướng mắc cục bộ do người dân khiếu kiện, tranh chấp, chủ hộ đang ở nước ngoài, người dân khiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường, tái lấn chiếm mặt bằng hoặc đã nhận tiền nhưng không đồng ý bàn giao mặt bằng…

Cạnh đó, 9 trên 11 dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam còn gặp khó về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng. Cá biệt tại dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp, vận chuyển vật liệu xây dựng cho dự án.

Với các dự án PPP, Bộ GTVT cho biết việc huy động vốn đang gặp khó khi ngân hàng đề nghị được áp dụng điều khoản chia sẻ doanh thu theo quy định tại Điều 82 của Luật PPP. Do đó, bên cạnh việc tích cực đàm phán với ngân hàng, các nhà đầu tư đang nỗ lực huy động các nguồn vốn hợp pháp khác như tăng vốn chủ sở hữu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp… để thực hiện dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm