“Đã uống rượu bia thì không lái xe”: Nhiều đổi mới

Tiếp nối thành công của chương trình đã công bố từ năm 2017 tại Việt Nam, chương trình “Đã uống rượu bia thì không lái xe” năm nay mở rộng quy mô, với nhiều đổi mới. Ngân sách cho chương trình khởi điểm năm nay là khoảng 14 tỉ đồng.

Giải pháp toàn diện dựa vào hành vi người tiêu dùng

Năm 2018, nhãn hiệu Heineken tiếp tục phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG) tiếp tục tổ chức chương trình với nhiều giải pháp thiết thực, toàn diện.

Heineken mong muốn qua chương trình “Đã uống rượu bia không lái xe” sẽ lan tỏa những thông điệp tích cực cho người tiêu dùng

Sau khi được triển khai vào năm 2017, chương trình “Đã uống rượu bia thì không lái xe” đã tiếp cận hơn 8,3 triệu người tiêu dùng, tạo ra được những thay đổi tích cực về hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. "Tôi tin rằng chương trình năm nay có thể mang đến những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa đối với hành vi của người dân" - ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG, nói.

Nghiên cứu toàn cầu do nhãn hiệu Heineken thực hiện về hành vi người tiêu dùng cho thấy người tiêu dùng thường không có dự định sẽ lái xe sau khi uống rượu bia, tuy nhiên khi bắt đầu cuộc vui cùng bạn bè và gia đình, các thói quen đã hình thành do bối cảnh văn hóa và xã hội sẽ lấn át và khiến họ tự cho phép bản thân lái xe dù đã uống rượu bia.

Trong khuôn khổ chương trình 2018-2019, Heineken hợp tác với Grab để mang đến cho người tiêu dùng mã khuyến mãi Grab hai chiều đến và về từ các điểm bán kiểu mẫu tại Hà Nội và TP.HCM, bất kể họ lựa chọn sử dụng thức uống có cồn nào.

Điểm đặc biệt của những điểm bán kiểu mẫu này chính là những thông điệp nhắc nhở đầy ý nghĩa “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Những thông điệp này được lồng ghép một cách khéo léo trong thiết kế của từng điểm bán, từ đó khuyến khích người tiêu dùng tự đưa ra quyết định uống có trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh sau khi họ đã uống rượu bia.

Theo đại diện Heineken khi được triển khai ở Anh, sáng kiến điểm bán kiểu mẫu đã giúp giảm đáng kể số lượng người lái xe sau khi uống rượu bia, lên đến 50% ở một số điểm bán đạt kết quả tốt nhất. Heineken mong muốn sẽ đạt được hiệu quả tương tự khi thực hiện ý tưởng này tại Việt Nam. Ngoài ra, phía doanh nghiệp còn hợp tác với UBATGTQG cũng như các trường đại học để cùng tổ chức những buổi đào tạo dành cho các cán bộ quản lý truyền thông, tuyên truyền viên, sinh viên về an toàn giao thông đường bộ của UBATGTQG.

Lấn cấn vì dự thảo luật cấm quảng cáo bia rượu

“Đã uống rượu bia thì không lái xe” là một phần trong chiến dịch thưởng thức bia Heineken có trách nhiệm được thực hiện trên toàn cầu, trong đó nhãn hiệu góp phần giúp thúc đẩy văn hóa uống có trách nhiệm. Tuy nhiên, mới đây tại Điều 9 và 10 của Dự thảo luật phòng chống tác hại rượu, bia về “Kiểm soát việc quảng cáo rượu, bia”, các doanh nghiệp kinh doanh bia, rượu gần như bị hạn chế thậm chí là cấm quảng cáo và tài trợ. Liệu rằng dự thảo luật có ảnh hưởng tới việc thực hiện những chiến dịch tương tự như “Đã uống rượu bia thì không lái xe” hay không?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, ông Matt Wilson, Giám đốc ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam, cho biết công ty ủng hộ Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, đặc biệt là việc tập trung vào phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia cũng như các đồ uống có cồn trái phép. Tuy nhiên, vị này cũng đồng ý rằng nếu đi vào hiệu lực, dự thảo luật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những hoạt động của DN, trong đó có chiến dịch “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Ông cho hay: “Tôi tin rằng để thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng khi sử dụng thức uống có cồn sẽ phải thực hiện bằng những hành động thiết thực, tác động trực tiếp vào hành vi và thời điểm khi người tiêu dùng đưa ra quyết định chứ không phải là việc cắt giảm quảng cáo. Thực tiễn các quốc gia trên thế giới đã minh chứng rằng việc cắt giảm quảng cáo thậm chí không hề có tác động đến lượng tiêu thụ rượu bia.”

Cũng theo ông, để thay đổi hành vi thưởng thức đồ uống có cồn của người tiêu dùng, điều quan trọng là phải kiểm soát việc quảng cáo cho ai, quảng cáo như thế nào và nội dung ra sao. Đó là chưa nói đến những chương trình hoạt động xã hội do các DN sản xuất kinh doanh rượu bia tổ chức, như “Đã uống rượu bia thì không lái xe” cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Ông Alexander Koch - Giám đốc Thương mại Cấp cao Heineken Việt Nam cho biết: “Heineken hiểu rõ vai trò cũng như cơ hội của nhãn hiệu trong việc góp phần thay đổi hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Điều này đòi hỏi sự cam kết lâu dài cũng như một lộ trình cụ thể với những đối tác tâm huyết từ Chính phủ cũng như khu vực tư nhân. [...] Năm nay, với sự thấu hiểu về hành vi người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu cũng như trong bối cảnh cụ thể tại Việt Nam, chúng tôi sẽ mang đến những giải pháp sáng tạo và toàn diện để tạo nên những tác động tích cực trong việc thay đổi và truyền cảm hứng cho người tiêu dùng đưa ra những quyết định uống có trách nhiệm.”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm