Đề nghị truy tố người làm mũ bảo hiểm dỏm

“Hiện nay việc đội mũ bảo hiểm dỏm rất nhức nhối nhưng chúng ta chưa có chiến dịch truyền thông để dấy lên trong dư luận sự bức xúc với việc làm nguy hiểm này.”

Đó là phát biểu của ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức ngày 15-12.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm là chủ trương đúng và giúp nhiều người dân giảm được thương tích. Ảnh: VIẾT LONG

Ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết năm 2006-2007, tai nạn giao thông tăng chóng mặt, đặc biệt số người bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm tăng cao. Vì vậy, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã mạnh dạn tham mưu cho Chính phủ ra Nghị quyết 32/2007. Theo đó, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông.

“Lúc có quy định, có một số ý kiến trái chiều từ dư luận về quyết định này. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai tỉ lệ người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đạt 90%, điều đó góp phần kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống còn 9.000 người/năm. Hạn chế những thương tích nặng, đặc biệt các ca chấn thương sọ não… Như vậy, có thể khẳng định đây là chính sách mang lại hiệu quả rõ rệt…”, ông Hồ Nghĩa Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, điều ông Hồ Nghĩa Dũng băn khoăn, đó là tình trạng mũ bảo hiểm dỏm, kém chất lượng đang trôi nổi trên thị trường. Ông Dũng đặt vấn đề: Tại sao thuốc ung thư giả, thức ăn bẩn gây bức xúc xã hội như thế, trong khi đó việc bán mũ bảo hiểm dỏm cho người dân còn nguy hiểm hơn nhiều nhưng xã hội có vẻ hơi bình lặng.

"Sắp tới, cơ quan chức năng cần “đánh” thẳng vào các cơ sở sản xuất mũ kém chất lượng. Hiện nay, ông sản xuất thuốc dỏm bị truy tố ngay, nhưng ông sản xuất mũ bảo hiểm dỏm vô can là thế nào? Tôi rất mong muốn chúng ta cần có biện pháp mạnh với các cơ sở sản xuất này”, ông Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh.

Đồng tình, nhiều đại biểu cũng khẳng định theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong xử phạt giao thông đường bộ và đường sắt đã cho phép lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt các trường hợp tham gia giao thông đội các loại mũ không phải mũ bảo hiểm đang được bày bán dọc các vỉa hè. Nhưng việc xử phạt còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện mũ bảo hiểm dỏm.

Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho rằng việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm rất hợp lòng dân và được thực hiện tốt. Tuy nhiên, sắp tới cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm. Đối với cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng cần phải xử lý nghiêm.

“Đặc biệt, cấm việc tặng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng cho người dân. Vì khi xảy ra tai nạn, mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ không giúp được họ tránh được nguy hiểm mà còn mang lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm cần phải nâng cao trách nhiệm. Nếu chúng ta sản xuất mũ không đạt chuẩn thì gây hại cho người dân, vì vậy tính nhân văn trong doanh nghiệp sản xuất mũ chất lượng là vô cùng lớn” - ông Thể nói.

Cuối cùng, ông Thể khẳng định cần tiếp tục thực hiện chủ trương trên ngày càng tốt hơn để đẩy lùi tai nạn giao thông và mang lại cho người dân cuộc sống tốt đẹp. “Cái quý nhất của thế gian này là sinh mạng con người. Sinh mạng của chúng ta có tốt, khỏe mạnh thì đó là hạnh phúc của gia đình và cộng đồng, nên cần phải thực hiện chủ  trương này…” - ông Thể nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm