Doanh nghiệp Đức nhận xét về tình trạng tắc đường ở Việt Nam

Chiều 12-1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức đồng chủ trì phiên họp thứ nhất Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam-Đức. Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Trong phiên họp này, hai bên tiến hành thảo luận các vấn đề về hợp tác thương mại và công nghiệp, hợp tác về năng lượng, hợp tác đào tạo nghề và tuyển dụng nhân lực có tay nghề cao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp trực tuyến chiều 12-1. Ảnh: BCT

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với Đức, luôn mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai bên.

"Bộ Công Thương luôn hướng đến tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là các doanh nghiệp Đức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam bởi đây chính là những nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Về hợp tác năng lượng, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn hợp tác sâu rộng hơn nữa với các đối tác phía Đức, không chỉ đối với phát triển năng lượng truyền thống, năng lượng tái tạo mà còn năng lượng sinh khối, việc lưu trữ và truyền tải điện, đảm bảo an ninh năng lượng cũng như phân bổ các nguồn năng lượng cân bằng, phù hợp, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam.

Về hợp tác công nghiệp, Bộ trưởng đề nghị phía Đức tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện, phụ tùng của các Tập đoàn công nghiệp lớn của Đức, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảng bền vững cho nền công nghiệp Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam thành lập “Trung tâm chuyển đổi số sản xuất” để có thể nắm bắt các cơ hội trong thời đại Công nghiệp 4.0.

Về phía Đức, Bộ trưởng Peter Altmaier cho biết Việt Nam là quốc gia ưu tiên hợp tác của Chính phủ Đức trên thế giới. Chính phủ Đức cũng như Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức sẽ hỗ trợ hết sức để thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các thỏa thuận về hợp tác thương mại và công nghiệp, trong đó có Hiệp định EVFTA nhằm thúc đẩy và tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế, thương mại tốt đẹp giữa hai bên.

Phiên họp thứ nhất Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam-Đức được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: BCT

Đại diện khối doanh nghiệp tham dự phiên họp, ông Alexander Goetz, Tổng giám đốc Vietnam Fischer Asia chia sẻ đang có 83 dự án phát triển tại Việt Nam. Ông Alexander Goetz đánh giá nhờ có Chính phủ điện tử, Việt Nam đã hiện đại hóa quản lý hành chính, nhờ đó các thủ tục hành chính diễn ra nhanh hơn, minh bạch hơn, giảm các chi phí không cần thiết.

Tuy nhiên, ông Alexander Goetz cũng nhận xét về tình trạng tắc đường ở Việt Nam khiến thời gian di chuyển mất rất nhiều thời gian, đồng thời chi phí vận chuyển cũng bị tăng lên, chi phí dành cho logistics cũng cao hơn so với một số nước lân cận. "Việt Nam cần phương pháp quản lý giao thông đa diện hơn để cải thiện tình trạng này" - ông Alexander Goetz chia sẻ.

Đồng ý với quan điểm này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận đúng là chi phí logistics ở Việt Nam hiện đang ở mức trên 20% là yếu tố gây cản trở cho sự phát triển giao thương thương mại, gây cản trở năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam, của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ trưởng Peter Altmaier đưa vào khung khổ hợp tác của Ủy ban hỗn hợp nội dung về hợp tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống logistics tại Việt Nam. Quy hoạch này sẽ có sự tham dự của các doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp có điều kiện phát triển ngành này trong công tác quy hoạch, gắn với việc hình thành các trung tâm thương mại và kinh tế lớn có điều kiện thuận lợi ở Việt Nam.

Ngoài những nội dung trên, tại phiên họp, hai Bộ trưởng đã nhất trí trong thời gian tới, hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy cơ chế phản ứng nhanh (Fast Track) để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai bên sao cho hiệu quả và hữu ích hơn nữa.

Kết thúc phiên họp, hai Bộ trưởng đã thống nhất phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới và ký kết Biên bản Phiên họp thứ nhất Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Đức, đồng thời xác định thời gian cho phiên họp thứ hai trong năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm