Dưới sông nạo vét, trên bờ nhà dân đua nhau... sập

“Lúc trước nhà tôi ở ngoài kia. Tít ngoài sông đó”. Anh Trần Hồng Thắm và nhiều người dân ở xã Phước Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp đều thốt lên như thế khi chúng tôi hỏi về tình trạng sạt lở bên bờ sông Tiền.

Cách nơi sạt lở kinh hoàng không xa, nhiều chiếc xáng cạp vẫn đang hối hả múc cát từ lòng sông đưa lên những chiếc sà lan khổng lồ. Lòng sông chẳng khác nào đại công trường khai thác cát.

Lở bờ đến 60 m

Xã Phước Thuận chỉ có khoảng 5.000 hộ dân nhưng tình trạng sạt lở ven bờ sông Tiền khiến hơn 1.000 hộ dân rơi vào cảnh phải di dời. Đây là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng sạt lở, nghi do liên quan đến khai thác cát.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, xác nhận tình trạng sạt lở bờ sông Tiền đoạn chảy qua địa bàn xã có đoạn bị sạt sâu đến 60 m. “Có năm xảy ra hàng chục vụ sạt lở, nhiều căn nhà xây kiên cố cũng bị sụp xuống sông. Trụ sở UBND lúc trước ở ngoài kia nhưng bị sạt lở phải dời vào trong này” - ông Hạnh nói thêm.

Ông Hạnh cho biết vụ sạt lở gần đây nhất xảy ra vào giữa tháng 3, mất hơn 1.000 m2 đất ven sông. Lượng đất sạt xuống sông còn đè trúng hai bè cá. Từ năm 2011 đến nay, năm nào cũng xảy ra sạt lở. Vào năm 2011 có đến 28 vụ sạt lở, tổng diện tích đất và hoa màu của người dân bị thiệt hại lên đến hơn 14 ha. Ngoài ra còn có 49 ao nuôi cá của người dân cũng bị cuốn trôi ra sông. Tổng thiệt hại do sạt lở trong năm này ở xã Phước Thuận lên đến hơn 2,8 tỉ đồng.

Vì sao tình trạng sạt lở bên bờ sông Tiền đoạn qua địa bàn xã Phước Thuận lại xảy ra kinh hoàng như thế?

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân địa phương cho rằng nguyên nhân là do các dự án khai thác cát. “Hồi xưa không có các dự án khai thác cát, đất ở đây đâu có sạt lở dữ vậy. Họ đâu chỉ khai thác đoạn sông này mà còn khai thác đoạn thượng nguồn nên chuyện sạt lở nhiều là đương nhiên” - một người dân địa phương lên tiếng.

Về vấn đề này, ông Hạnh nhìn nhận: “Địa phương không đủ khả năng để kết luận nguyên nhân sạt lở. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị liên quan cũng không loại trừ nguyên nhân do khai thác cát”.

Cảnh sạt lở kinh hoàng bên dòng sông Tiền, nơi đang có nhiều dự án khai thác cát lẫn dự án nạo vét luồng. Ảnh: TRUNG THANH

Cảnh khai thác, tận thu cát trên sông Tiền, đoạn gần nơi xảy ra sạt lở. Ảnh: TRUNG THANH

Luồng sông sâu vẫn… nạo vét

Ông Võ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp, cho hay: “Sạt lở nhiều là do dòng chảy thay đổi. Còn vì sao dòng chảy thay đổi thì chưa có công trình nghiên cứu nào đủ tầm để đưa ra kết luận. Tuy nhiên, ở góc độ của người dân, họ chỉ thấy được mối liên quan giữa khai thác cát nên họ cho đó là nguyên nhân chính” - ông Tâm nói.

Số liệu do sở này cung cấp cho thấy tính đến tháng 3-2017, toàn tỉnh có 18 giấy phép khai thác cát sông, tổng lượng cát khai thác theo công suất lên đến 8,9 triệu m3/năm. Ngoài ra, trên địa bàn còn có ba dự án nạo vét luồng sông kết hợp với tận thu cát. Các dự án nạo vét luồng sông do Bộ GTVT cấp phép.

Theo ông Tâm, hiện một dự án nạo vét tận thu sản phẩm vẫn đang hoạt động. Một dự án đã hết hạn khai thác. Dự án còn lại đã cấp phép nhưng chưa triển khai do người dân phản đối vì lo sợ sạt lở gia tăng.

Một lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cho rằng đây là các dự án không quá cần thiết: “Sông Tiền rất rộng và sâu, do đó những đoạn cần nạo vét (chưa đạt độ sâu 9 m) rất ít. Vả lại luồng tàu (rộng khoảng 150 m) không phải bất di bất dịch như đường bộ nên những đoạn nếu thấy độ sâu chưa đảm bảo thì tàu vẫn có thể né qua, chạy ở những đoạn nước sâu hơn. Lúc chưa có các dự án nạo vét, chưa có trường hợp nào phản ánh về chuyện tàu bị mắc cạn hay gặp khó khăn vì luồng sông bị cạn”.

Trong năm 2015, tỉnh Đồng Tháp đo đạc và xác định trên dòng sông Tiền hầu hết đều đạt độ sâu hơn 9 m, những đoạn chưa đạt 9 m theo quy chuẩn dành cho làn tàu thủy lớn rất ít. Tuy nhiên, kết quả này không được Cục Quản lý đường thủy nội địa Việt Nam (đơn vị phê duyệt dự án nạo vét tận thu cát) đồng ý.

Về dự án nạo vét tận thu cát đang bị người dân phản đối, ông Võ Minh Tâm cho biết: “Những vấn đề người dân phản ánh tỉnh ghi nhận để làm việc với đơn vị cấp phép và đơn vị thực hiện dự án nạo vét. Khi nào có những đánh giá đầy đủ hơn về mối liên quan giữa nạo vét, tận thu cát với sạt lở mới đưa ra quyết định có thực hiện dự án hay không”.

Thủ tướng yêu cầu dừng cấp phép nạo vét sông

Ngừng 4 dự án nạo vét, tận thu cát ở Đồng Nai.

“Việc cấp phép nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa của Bộ GTVT nên dừng lại, giao cho địa phương...”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như thế trong buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng do ông dẫn đầu với Bộ GTVT, ngày 21-3.

“Hiện có thực trạng việc cấp phép nạo vét mà địa phương không biết cũng như có chuyện “bảo kê”, xã hội đen dọa lãnh đạo tỉnh. Đây là lỗ hổng cần phải xem xét nhằm quản lý tốt hơn” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Sở GTVT tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản thông báo ngừng thực hiện các dự án nạo vét kết hợp tận thu cát trên địa bàn do tỉnh Đồng Nai cấp phép gồm: Dự án nạo vét thông luồng thủy nội địa suối Thái Thiện đoạn từ sông Thị Vải đến bến thủy nội địa Kim Nhật thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành; dự án nạo vét thông luồng khu vực sông giữa - rạch Ông Trung, Nước Lạnh, xung quanh và trong dự án tại xã Phước Tân và Tam Phước, TP Biên Hòa; dự án nạo vét, thanh thải luồng sông Buông, sông Bến Gỗ tại xã Phước Tân và Tam Phước, TP Biên Hòa; dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu sản phẩm tuyến đường thủy nội địa đoạn tắc Ông Trung, sông Đồng Kho, tắc Nha Phương - rạch Ông Trúc tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm