Đường sắt tốc độ: Thuê tư vấn, lùi thời gian trình Quốc hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa cho biết ngày 14-2, Bộ GTVT có tờ trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (sau đây gọi là dự án).

Theo đó, dự án có tổng chiều dài 1.559km đi qua 20 tỉnh/thành phố, dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 1.344.459 tỉ đồng (tương đương 58,7 tỉ USD), nguồn vốn nhà nước chiếm 80%, tư nhân 20 %.

Theo Bộ KH&ĐT, các phương án đơn vị này đưa ra có công nghệ khác nên mực đầu tư không lớn. Ảnh: Internet

Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do dự án lớn, cần chặt chẽ nên giao Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT đề xuất phương án thực hiện trước khi thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Ngày 5-6-2019, Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án thực hiện dự án. Trong đó có nêu quan điểm về tốc độ chạy tàu hợp lý 200 km/h chở khách và hàng hóa, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia và tốc độ khai thác thực tế ở một số nước (Đức, Hà Lan…) và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tổ chức thẩm định báo cáo NCTKT dự án.

Trong đó Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án để thẩm tra báo cáo NCTKT để có đánh giá khách quan về phương án lựa chọn đầu tư, xác định tổng mức đầu tư hợp lý, bảo đảm hiệu quả tính khả thi.

Ngày 11-7, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước, do Bộ KH&ĐT chủ trì để thẩm định báo cáo NCTKT dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành các công việc chuẩn bị. Theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014, thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước là 90 ngày và thời gian Chính phủ trình đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

“Với dự án phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau và Hội đồng phải thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra nên thời gian thẩm định sẽ phải kéo dài hơn. Theo đó, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5-2020...”, Bộ KH&ĐT đề xuất.

Trong quá trình thẩm định, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ nghiên cứu hồ sơ dự án, ý kiến thẩm tra của tư vấn, ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành liên quan và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến phản biện của xã hội để có đánh giá khách quan nhất về các phương án đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư khi hồ sơ dự án đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm