Giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM

Mới đây, trong báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM tại hội thảo tham vấn lấy ý kiến về đẩy mạnh phối hợp trong công tác truyên truyền về bảo vệ môi trường của các cơ quan báo chí tại TP.HCM (do Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường - Tổng cục Môi trường) tổ chức, cho thấy: hiện nay khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM khoảng  9.000 tấn/ngày. Trong đó, chủ yếu phát sinh từ khu vực dân cư, cơ quan, chợ, trung tâm thương mại...

Lượng CTRSH ngày càng tăng

Lượng CTRSH tại TP.HCM được thu gom và sau đó vận chuyển về 2 khu liên hợp xử lý chất thải của TP để xử lý. Tỷ lệ gia tăng CTRSH hàng năm khoảng 5%. Theo dự báo đến năm 2020, khối lượng CTRSH phát sinh khoảng 10.300 tấn/ngày và đến năm 2025 khối lượng CTRSH phát sinh khoảng 13.000 tấn/ngày.

Hiện trên địa bàn TP đang hoạt động song song hai hệ thống tổ chức thu  gom CTRSH tại nguồn, gồm: hệ thống thu gom công lập và dân lập. Theo thống kê  báo cáo của các quận, huyện thì cho đến nay, đã có 8/24 quận, huyện hoàn thành công tác vận động 100% lực lượng thu gom rác dân lập tham gia vào mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Về tỷ lệ công nghệ xử lý CTRSH tại TP.HCM gồm: 69% công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; 31% bao gồm sản xuất compost, tái chế nhựa và đốt không phát điện.

Tăng hiệu quả quản lý CTRSH

TP.HCM đang tích cực chuyển đổi phương tiện thu gom để phù hợp theo mẫu. Ảnh: CN

Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý CTRSH trên địa bàn TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai trong thời gian sắp tới. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh và duy trì công tác tuyên truyền và vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường; tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn đới với nhóm đối tượng công nhân, người lao động… tại các cơ sở sản xuất, nhà trọ, nhà máy…

Đặc biệt, phải giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm về rác tại các quận huyện, đồng thời duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực này sau khi đã chuyển hóa. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch kiểm tra và giám sát thường xuyên việc triển khai này của các địa phương.

Nghiên cứu các giải pháp tăng cường xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường nơi công cộng để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện; nghiên cứu đề xuất áp dụng hình phạt lao động công ích đối với những trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng;

Tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại hoạt động thu gom của lực lượng dân lập. Chuyển đổi các lực lượng này thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân nhằm quản lý có hiệu quả và có cơ chế tài chính để hỗ trợ lực lượng dân lập chuyển đổi phương tiện thu gom để phù hợp theo mẫu phương tiện thu gom tại nguồn;

Tổ chức dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn đặc biệt như: rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng, vật dụng có kích thước lớn,…và quy định mức phí đối với dịch vụ này;…

Ông Đỗ Tiến Đoàn, Vụ Quản lý chất thải - Tổng cục Môi trường, thông tin về khối lượng CTRSH trên cả nước. Cụ thể, lượng CTRSH phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó CTRSH đô thị khoảng 37.000 tấn/ngày, CTRSH ở nông thôn khoảng 24.000 tấn/ngày. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm