Những “điểm tối” về thủ tục nhà, đất - Bài cuối

Giám đốc 2 sở TN&MT và Xây dựng lên tiếng

Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh những phiền hà người dân TP đang phải gánh chịu khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận (GCN) và cấp phép xây dựng (CPXD), Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng và Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn đã lên tiếng.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN&MT:

Công khai quá trình giải quyết hồ sơ để dân giám sát

Hiện nay, những thủ tục hành chính trong việc giải quyết hồ sơ cấp GCN hoặc cập nhật biến động đã được pháp luật quy định đầy đủ. TP cũng đã ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền từ cấp xã, phường, các phòng ban chuyên môn trực thuộc UBND quận, thẩm quyền cấp giấy lần đầu thuộc UBND quận và cập nhật biến động thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT. Đồng thời, Sở cũng đã được phép ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) ký cấp GCN sau khi có biến động.

Quy định pháp luật hiện có rất nhiều nội dung. Cũng có những trường hợp cán bộ hiểu chưa đầy đủ, thấu đáo dẫn đến việc giải quyết hồ sơ có sai sót. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT khi triển khai một quy định mới thì phải tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, viên chức có liên quan. Thời gian qua, Sở đã mời những bộ phận tham mưu cho các bộ, ngành trung ương ban hành các quy định pháp luật vào trực tiếp tập huấn, giải thích, hướng dẫn cho toàn bộ cán bộ tiếp nhận, thụ lý giải quyết và người lãnh đạo chỉ đạo công việc này. Tất cả lĩnh vực từ bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp GCN, đo đạc bản đồ địa chính hoặc thụ lý hồ sơ bản vẽ đều được tập huấn hết.

Sở cũng đang rà soát, sắp xếp lại nhân sự bộ máy VPĐKĐĐ TP. Theo đó, cán bộ phụ trách trong lĩnh vực này phải có trình độ chuyên môn phù hợp, ít nhất cũng phải là kỹ sư quản lý đất đai hoặc cử nhân luật hay các chuyên ngành liên quan. Kể từ khi tiếp nhận hệ thống VPĐKĐĐ từ năm 2015, Sở tổ chức sắp xếp lại cho đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn. Sở đã ngừng hợp đồng 70 người (trên tổng số hơn 1.200 nhân sự thuộc VPĐKĐĐ toàn TP) do không đủ điều kiện chuyên môn.

Sở dĩ tôi giải thích cặn kẽ như trên để thấy rằng quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ rất rõ ràng, máy móc thiết bị cũng đã được trang bị đầy đủ, vấn đề còn lại là con người. Để hồ sơ bị kéo dài do nhận định của cán bộ thụ lý thì phải chấn chỉnh ngay. Vừa tập huấn đào tạo bồi dưỡng vừa sắp xếp cho đúng vị trí, đó là những công việc Sở đang tiếp tục làm.

Bên cạnh đó, để giảm bớt những phiền hà của người dân khi đến cơ quan công quyền để giải quyết thủ tục đất đai, Sở đang ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng quy trình ISO trong toàn bộ thủ tục của ngành TN&MT. Giải pháp này nhằm giúp phân định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ, viên chức.

Ví dụ, trong một công đoạn cấp đổi GCN hoặc cập nhật biến động sẽ được phân ra cụ thể trong vòng bao nhiêu ngày, trong đó bộ phận thụ lý bao nhiêu ngày, trình lên lãnh đạo bao nhiêu ngày... Như thế sẽ dễ dàng chỉ ra những điểm sai sót, cũng là phân công lại lao động cho hợp lý. Ngoài ra, Sở cũng đang cố gắng công khai toàn bộ quá trình giải quyết hồ sơ hành chính để người dân theo dõi, giám sát.

Ông TRẦN TRỌNG TUẤN, Giám đốc Sở Xây dựng:

Phải xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu

Những thông tin mà Pháp Luật TP.HCM đề cập cho thấy bên cạnh việc TP đang nỗ lực cải cách hành chính, giảm bớt giấy tờ, rút ngắn thời gian, nâng cao đạo đức công vụ thì cũng còn tồn tại những phiền phức trong công tác CPXD.

Thời gian qua, khi thực hiện công tác CPXD có trường hợp cán bộ tham mưu không hiểu hoặc hiểu không đúng quy định pháp luật dẫn đến cứ phát văn bản hỏi các cơ quan khác, làm kéo dài thời gian giải quyết cho dân là có thật. Quá trình tiếp nhận hồ sơ CPXD tại quận, huyện cũng đã có những câu chuyện khi người dân nộp hồ sơ bản vẽ sử dụng dịch vụ của đơn vị này thì giải quyết nhanh, của đơn vị kia thì giải quyết chậm. Tôi cho rằng những trường hợp cụ thể này, chủ tịch các quận, huyện phải kiểm tra, rà soát để đánh giá được là do năng lực cán bộ hay đạo đức công vụ, qua đó chấn chỉnh kịp thời. Nếu đó là biểu hiện của những hành vi nhũng nhiễu thì phải xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận yếu tố khách quan là chất lượng hồ sơ nộp vào phụ thuộc năng lực hành nghề của đơn vị tư vấn. Nếu hồ sơ không đảm bảo chất lượng theo quy định thì trả ra là bình thường. Không hẳn mọi trường hợp trả hồ sơ đều do lỗi của công chức.

Bên cạnh xử lý những vụ việc cụ thể như báo đã nêu tại quận 12 hay Bình Thạnh, vấn đề căn cơ nhất là phải rà soát lại quy trình xử lý hồ sơ, quy trình ISO, kiểm soát được quá trình xử lý hồ sơ, đảm bảo đúng quy định, khách quan và công tâm.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính về CPXD, tuy nhiên quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến các điều kiện để xin CPXD. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ cho UBND quận, huyện trong công tác này. Đồng thời, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP hoặc Bộ Xây dựng ban hành các quy định pháp luật cụ thể để làm cơ sở áp dụng chung. Ngoài ra, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở QH-KT để tiếp tục giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác quy hoạch xây dựng chi tiết có liên quan đến CPXD trên địa bàn TP.

Hiện nay, TP đang triển khai việc giải quyết hồ sơ CPXD trực tuyến. Người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả trực tiếp. Giải pháp này nhằm từng bước giảm phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục CPXD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm