Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: 'BOT An Sương không thu phí quá hạn'

Chiều 4-12, liên quan đến việc một số tài xế đậu xe ở trạm BOT An Sương-An Lạc gây kẹt xe vì cho rằng chủ đầu tư (Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO) thu quá hạn, bên lề kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết không có chuyện thu phí quá hạn và chủ đầu tư đang làm đúng hợp đồng.
"Một số tài xế đang đặt vấn đề là hợp đồng của bên Bộ GTVT ký với chủ đầu tư IDICO đã hết hạn nhưng thành phố đã ký thêm rất nhiều phụ lục với chủ đầu tư chứ không phải là đang thu theo hợp đồng cũ" - ông Cường, nói.

Ông Bùi Xuân Cường

Ông Cường cho biết trước đây Bộ GTVT cho phép đầu tư tuyến đường đó từ An Sương đến An Lạc theo hình thức BOT dài 14 km. Sau khi đoạn đường được mở rộng thì chủ đầu tư được phép thu phí trong khoảng thời gian từ ngày 2-1-2005 đến 31-1-2017 thì hết hạn.

Đoạn đường từ An Sương đến An Lạc là đường đô thị (dù tên có tên gọi là quốc lộ) nên sau này sau đó Bộ GTVT bàn giao hợp đồng BOT này lại cho UBND TP.HCM. Theo hợp đồng cũ thì không có cầu vượt tỉnh lộ 10, hương lộ 2, Lê Trọng Tấn, ngã tư Gò Mây. Trên đoạn đường này cũng không có vỉa hè, cây xanh trên tuyến.
Sau đó, TP muốn hoàn chỉnh các công trình trên đoạn đường này để giao thông thông suốt, kéo giảm ùn tắc nên đã đàm phán, ký thêm các hạng mục với IDICO. Tổng cộng có bốn cầu vượt được xây thêm với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng. Do vậy thời gian thu phí tại trạm An Sương - An Lạc phải kéo dài thêm đến năm 2033.
"Khi làm công trình thì phải làm đồng bộ mới giải quyết được ùn tắc giao thông, thông suốt toàn tuyến. Việc chủ đầu tư thu phí từ sau năm 2017 là thu phí để hoàn vốn cho phụ lục hợp đồng mới. Ở đây không phải là làm công trình chỗ này rồi thu phí chỗ khác mà là đầu tư trên cùng tuyến đường đó" - ông Cường nói.

Theo ông Cường, nếu làm đường một chỗ mà thu phí một chỗ khác như những địa phương khác thì không đúng. Nhưng ở đây đơn vị đầu tư chỉ đầu tư trên đoạn tuyến 14 km đó để hoàn chỉnh đoạn đường giúp lưu thông thông suốt. Vấn đề này TP đã báo cáo và đã được Thủ tướng đồng ý trước khi thực hiện.

Trước đó, chiều 3-12, nhiều tài xế tập trung ở trạm thu phí An Sương An Lạc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) để phản đối việc thu phí.

Cảnh tài xế tập trung phản đối việc thu phí tại trạm An Sương - An Lạc ngày 3-12. Ảnh: PLO

Nhiều người tập trung ở đây hò hét, kêu gọi các ô tô đi qua và không cần trả tiền thu phí vì đã xả trạm. Khung cảnh khá hỗn loạn vì nhiều người đi đường tập trung theo dõi cả ở làn xe máy và ô tô.

Một số tài xế trình ra một văn bản có nội dung hợp đồng giữa Bộ GTVT với Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho thấy thời gian bắt đầu thu phí của trạm BOT An Sương - An Lạc từ tháng 4-2004.
Thời gian thu phí kéo dài 145 tháng, đến nay thời hạn thu phí đã quá 31 tháng. Vậy nên các tài xế cho rằng điều này là vô lý và số tiền thu dôi ra không biết đã về tay ai. Do các tài xế tập trung đông, gây kẹt xe nên trạm thu phí đã xả trạm khoảng từ 17 giờ 30 phút chiều liên tục đến hơn 21 giờ đêm.
Đến 21 giờ, BOT An Sương-An Lạc vẫn xả trạm. Khoảng 10 người đứng trên các bục hoặc làn xe vẫy tay cho các phương tiện khác lưu thông, hô lớn: "Xả trạm, không thu phí, qua đi".
Công an quận Bình Tân điều hàng chục chiến sĩ chia lực lượng túc trực cả hai bên đường điều tiết giao thông. Họ chỉ nhắc nhở những người dừng lại xem, rồi ghi biên bản chứ không can thiệp vào nhóm tài xế.
Theo báo cáo của Công ty IDICO khi xảy ra sự việc, đơn vị này đã cho nhân viên giải thích đồng thời cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thu phí nhưng các tài xế không đồng ý và cố tình đậu xe tại trạm gây ùn tắc giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.