25 dự án giao thông phải dừng nếu thiếu vốn

Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Bộ GTVT cho biết hiện ngành giao thông có 25 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được bố trí đủ vốn.

Cần hoàn thành trong thời gian ngắn

Theo Bộ GTVT, 25 dự án nói trên nằm trong kế hoạch trung hạn 2016-2020. Các dự án này cần được bố trí vốn để tiếp tục thi công, hoàn thành và sớm đưa vào sử dụng.

Bộ GTVT cũng cho biết nếu các dự án này không được bố trí đủ vốn sẽ phải dừng hoặc giãn thời gian thi công. Việc này sẽ gây lãng phí phần vốn đã đầu tư, tiềm ẩn mất an toàn giao thông, đi lại khó khăn và tốn kinh phí khi tái khởi động dự án.

“Trong số này, nhiều dự án có nhu cầu bổ sung vốn không lớn, có thể triển khai ngay sau khi được bố trí vốn để hoàn thành trong thời gian ngắn…” - Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quan tâm ưu tiên bố trí bổ sung đủ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020. Điều đó giúp xử lý dứt điểm các dự án có nợ đọng và để tiếp tục thi công hoàn thành đưa vào khai thác 25 dự án đang thực hiện dở dang.

“Hiện Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 và xác định ưu tiên bố trí đủ vốn để xử lý dứt điểm tất cả dự á.” - Bộ GTVT khẳng định. 

Bộ GTVT sẽ tập trung nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chú trọng đầu tư cho đường sắt

Về phát triển hạ tầng đường sắt, Bộ GTVT cho biết hiện nay đơn vị đã phê duyệt 4/4 dự án đường sắt quan trọng nhằm cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

Đến thời điểm này đã khởi công gói thầu đầu tiên và dự kiến phấn đấu hoàn thành các dự án trong năm 2021.

Giai đoạn đến năm 2021, Bộ GTVT tiếp tục tập trung nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện có. Đồng thời, bộ sẽ rà soát, kêu gọi đầu tư các dự án đã nghiên cứu.

Song song đó, Bộ GTVT sẽ tập trung nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Từ đó làm cơ sở chuẩn bị về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ

Giai đoạn 2021-2032, Bộ GTVT dự kiến sẽ cân đối và bố trí vốn để hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư. Đồng thời, thực hiện đầu tư các dự án theo quy hoạch, nhất là các tuyến kết nối đường sắt đến cảng Hải Phòng, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Cũng trong thời gian này, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để có thể thực hiện đầu tư giai đoạn 1.

“Giai đoạn 2032-2050, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đầu tư và hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam…” - Bộ GTVT cho hay.

Đa số trạm BOT đã vận hành hệ thống ETC

Báo cáo Chính phủ về tiến độ triển khai thu phí dịch vụ không dừng (ETC), Bộ GTVT cho biết đến nay khoảng 40 trạm BOT trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, cao tốc có lưu lượng lớn đã vận hành hệ thống.

Với các trạm BOT còn lại, Bộ GTVT đã đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thứ hai là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số đơn vị có kinh nghiệm về công nghệ thực hiện. Dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Còn bốn tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, Bộ GTVT đang phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn và thẩm quyền để sớm triển khai ETC trên các tuyến này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm