3 phương án đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

“Dự kiến ngày 20-10, Quốc hội họp phiên cuối năm, tại kỳ họp sẽ duyệt ngân sách đầu tư trung hạn 2021-2025. Mong các đơn vị, địa phương ủng hộ, làm sao cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được duyệt và được làm trong giai đoạn 2021-2025”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu như trên tại cuộc họp giữa Bộ GTVT cùng UBND các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ để nghe các đơn vị tư vấn, nhà đầu tư báo cáo về phương án chọn hướng tuyến cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, diễn ra chiều 21-9.

Ba phương án đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) trình bày ba phương án về hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Cụ thể, phương án 1: Dự án sẽ tận dụng toàn bộ tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu, tổng chiều dài khoảng 141 km, có 13 nút giao, tổng mức đầu tư khoảng 46.000 tỉ đồng. Ưu điểm của phương án này là tổng mức đầu tư thấp nhất, giải phóng mặt bằng (GPMB) ít nhất với 750 ha.

Phương án 2: Cao tốc sẽ đi song song tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tổng chiều dài toàn tuyến 138 km, diện tích GPMB lớn nhất với 900 ha, tổng mức đầu tư lớn nhất với 61.000 tỉ đồng.

Phương án 3: Cao tốc đi phía bên trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, có chiều dài toàn tuyến ngắn nhất, chỉ 125 km, có 11 nút giao, GPMB khoảng 800 ha, tổng mức đầu tư khoảng 57.000 tỉ đồng.

Tedi South kiến nghị chọn phương án 1 vì có mức đầu tư thấp nhất và có độ kết nối với các đô thị tốt nhất. Ngoài ra, phương án này còn tận dụng được tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp cho một hướng của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Đơn vị đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả cho biết phương án 1, 2 khá hấp dẫn đối với các chủ phương tiện giao thông vì khoảng cách giữa các TP Vị Thanh, Sóc Trăng, Bạc Liêu ngắn và đều nhất. Đối với phương án 3 thì khoảng cách của hai địa phương là Sóc Trăng và Bạc Liêu lại quá xa.

Nhà đầu tư cho rằng phương án 1, 2 cũng dễ hoàn vốn. Theo đó, nhà đầu tư chọn phương án 2 vì phù hợp theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Đoạn đầu tư theo PPP là từ Bạc Liêu đi Cà Mau có chiều dài 46 km, tổng mức đầu tư dự kiến 11.145 tỉ đồng. Nếu đầu tư PPP hết thì không phù hợp, cần tách ra thành hai dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 3a, đầu tư công với tổng mức đầu tư là 3.445 tỉ đồng; dự án thành phần 3b có tổng mức đầu tư là 7.700 tỉ đồng (vốn BOT là 3.850 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước là 3.850 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn là 16 năm).

Tại cuộc họp, các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng cũng chọn phương án 2. Trong khi đó, tỉnh Hậu Giang chọn phương án 3 vì muốn giữ lại tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp như hiện hữu và làm một tuyến cao tốc hoàn toàn mới. TP Cần Thơ cũng chọn phương án 3 vì có đoạn đường đầu tư ngắn nhất nhưng nếu có đầu tư theo PPP thì chọn phương án 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp bàn phương án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chiều 21-9 tại TP Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Cần hạn chế tối đa thu hồi đất lúa

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng: “ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, cần hạn chế tối đa việc thu hồi đất. Do đó, đơn vị tư vấn phải làm sao tránh được thu hồi đất lúa là tốt nhất”.

Ông Nhật cũng đánh giá giai đoạn hiện nay ngân sách khó khăn nên làm thế nào để vừa làm được đường, vừa có mức đầu tư thấp nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin việc thực hiện cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo thông báo kết luận của Thủ tướng là bằng hai hình thức: Đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu là đầu tư công, còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau đầu tư theo PPP.

Về hướng tuyến, ông Nhật đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại cuộc họp và cho rằng trước mắt là làm theo quy hoạch 326 (quy hoạch vùng ĐBSCL), vì theo Luật Đầu tư công thì không đầu tư, đề xuất cái gì khi chưa có quy hoạch. Do đó, đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ lại phương án 1, 2 xem phương án nào hiệu quả hơn về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng…

“Hoặc là đề nghị nghiên cứu phương án 3 kỹ hơn, chi tiết hơn nữa vì tổng chiều dài ngắn hơn, mức đầu tư thấp hơn, phải nói rõ diện tích thu hồi đất nông nghiệp ở đây như thế nào, vì trên 10 ha là phải báo cáo Quốc hội. Cạnh đó, phải xem tính kết nối ở đây, chậm nhất phải 30 phút đến các trung tâm kinh tế chẳng hạn” - ông Nhật nói.

Ông Nhật đề nghị Tập đoàn Đèo Cả làm việc kỹ với Cà Mau theo Luật Đầu tư công, sớm nghiên cứu đoạn Bạc Liêu - Cà Mau. Đồng thời, tập đoàn này cần làm việc với các đơn vị liên quan để khi thực hiện có thể kết nối toàn tuyến nhịp nhàng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng cho biết Chính phủ và Quốc hội rất ưu tiên đầu tư cho Tây Nam bộ. “Dự kiến ngày 20-10, Quốc hội họp phiên cuối năm, tại kỳ họp sẽ duyệt ngân sách đầu tư trung hạn 2021-2025. Mong các đơn vị, địa phương ủng hộ, làm sao có tuyến cao tốc được duyệt và được làm trong giai đoạn 2021-2025” - ông Nhật nói.

Cần xác định tính hài hòa của vùng

Quan điểm của tôi là bám vào chủ trương mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu thì đầu tư công, đoạn Bạc Liêu - Cà Mau đầu tư PPP. Vấn đề thứ hai là tuyến, trước hết chúng ta phải xác định hài hòa của vùng, các tỉnh trong khu vực để cùng phát triển, đưa ĐBSCL thành trung tâm kinh tế của cả nước. Bạc Liêu thống nhất phương án 2 vì kết nối các đô thị trong vùng sẽ gần nhất.

Ông VƯƠNG PHƯƠNG NAMPhó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

Cần tính đến các điểm kết nối

Tôi rất băn khoăn khai thác đầu tư cao tốc trên nền đường quốc lộ cũ có đảm bảo về kỹ thuật không. Tính theo hiệu quả kết nối, đi nhanh giữa điểm đầu và điểm cuối thôi cũng chưa hẳn hiệu quả, mà phải tính đến các điểm kết nối trên đường cao tốc đi qua có thuận tiện không. Cho nên Cà Mau chọn phương án 2, mặc dù là phương án có suất đầu tư cao nhưng hiệu quả hơn.

Ông LÂM VĂN BIPhó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm