Bật đèn xe máy ban ngày, tranh cãi chưa hồi kết

Sau nhiều bài viết giới thiệu các ý kiến góp ý của Bộ GTVT đề xuất xe máy phải bật đèn cả ban ngày, đến nay chúng tôi liên tục nhận được các ý kiến góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Việc bật đèn xe cả ban ngày sẽ gây tiêu tốn bao nhiêu năng lượng, có gây hư hỏng bóng đèn, gây ô nhiễm ánh sáng?… Chúng tôi xin giới thiệu tiếp các ý kiến góp ý, phản biện về đề xuất này.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM:

Lượng điện tiêu tốn không đáng kể

Tôi ủng hộ đề xuất này. Chắc chắn khi bật đèn ban ngày sẽ giảm thiểu được nguy hiểm, giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc bật đèn chiếu xa vào ban ngày có thể gây chói mắt cho tài xế chiều ngược lại nhưng bật đèn chiếu gần thì hệ quang học trong đèn làm cho ánh sáng cụp xuống, không ảnh hưởng đến người khác. Hiện nay, khi tham gia giao thông nhiều xe màu trắng và không có ánh sáng cũng là nguyên nhân gây tai nạn do không nhìn thấy chướng ngại vật kịp thời.

Cách đây khoảng 10 năm, gần như 100% các loại xe được thiết kế đèn là loại đèn dây tóc, đèn hallogen (theo nguyên lý dùng dây nung lên tới hơn 2.000 độ để phát sáng) vì thế lượng nhiệt tỏa ra rất lớn. Trong khi đó, lượng điện trên xe chủ yếu do xăng cấp vào động cơ đốt trong, làm quay máy phát điện cấp điện cho bóng đèn. Vì vậy dẫn đến tốn xăng, đặc biệt là những loại xe cũ, sử dụng bóng đèn có công suất 60 W. Nếu bật đèn xe một ngày thì sẽ tiêu hao 60 Wh, tương ứng với lượng xăng đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay các nhà sản xuất xe máy đều sử dụng đèn LED cho các loại xe, do vậy lượng điện tiêu tốn không đáng kể.

Nhiều ý kiến cho rằng việc bật đèn xe máy cả ban ngày sẽ gây tốn xăng, dễ hư hỏng bóng đèn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông ĐOÀN NGỌC LINH, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xe điện toàn cầu Pega:

Đèn được trang bị rất tiết kiệm nhiên liệu

Đèn bật ban đêm hay ban ngày cũng chỉ là trang bị thêm công tắc sử dụng, trang thiết bị công nghệ cũng vẫn như vậy.

Hiện nay, các loại xe điện của Pega đã được trang bị hệ thống đèn đi sương, phá sương. Các loại đèn này có công tắc đèn để người dùng chủ động việc bật/tắt đèn. Ở những nơi có sương mù thì người dùng có thể bật đèn để phá sương, để người đối diện thấy. Đặc biệt, loại đèn này có thể nhận diện được dải phân cách giữa đường với khoảng cách 30 m. Các loại đèn được trang bị là loại đèn LED có ánh sáng vàng và không gây tốn điện chỉ khoảng 2 W nên rất tiết kiệm nhiên liệu.

Anh NGUYỄN KHẮC TRUNG, chủ garage Khắc Trung Auto chuyên về đèn xe:

Dùng nhiều bóng đèn sẽ mau hư

Những loại xe nhập từ Ý như Honda SH khi nổ máy chạy là đèn cos (đèn chiếu gần) mặc định luôn luôn sáng, vì châu Âu có thời tiết xấu như tuyết hoặc sương mù. Ngoài mục đích giảm tai nạn thì đây cũng là cách giải phóng nguồn điện khi xe chạy điện được sạc vào bình ắcquy, tránh việc mau hư bình điện.

Ở Việt Nam, việc thời tiết xấu, không thấy ở xa là không có. Chưa nói đến việc một số người không phân biệt đèn chiếu gần và đèn chiếu xa. Nếu ban ngày mà mở đèn pha thì vô hình trung gây chói mắt cho xe chạy ngược chiều. Do vậy, tôi không đồng tình với đề xuất này.

Bên cạnh đó, bóng đèn cũng có tuổi thọ. Nếu sử dụng nhiều thì đồng nghĩa với việc mau hư dù bóng đèn thì không cần chăm sóc, bảo dưỡng như các bộ phận khác.

Giám đốc một trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM:

Đèn sẽ nhanh hỏng nếu bật cả ngày đêm

Cá nhân tôi không đồng ý với đề xuất này. Bật đèn xe cả ban ngày chỉ phù hợp với các nước châu Âu có sương mù và tuyết làm cho tầm nhìn kém. Với điều kiện thời tiết ở nước ta, việc bật đèn ban ngày chỉ gây hao tổn. Trong khi đó, các loại đèn thiết kế cho các loại xe máy chỉ nên sử dụng khoảng 3.000 giờ, nếu bật cả ngày và đêm thì rất nhanh hỏng, khoảng 2-3 tháng.

Hiện nay, việc đăng kiểm cho ô tô cũng không đăng kiểm loại đèn sương mù chứng tỏ nó cũng chưa thực sự quan trọng. Ô tô chỉ kiểm tra đèn chiếu xa, đèn chiếu gần và đèn giới hạn. Đèn sương mù chưa bắt buộc phải kiểm tra trong quy trình đăng kiểm. Vì vậy với xe máy là không cần thiết.

Xe máy bật đèn ban ngày tốn bao nhiêu xăng?

Động cơ xăng thường có hiệu suất khoảng 40% đối với ô tô, 30% với xe máy. Khi động cơ kéo máy phát điện, một phần công suất sẽ tiêu tốn qua truyền động (hiệu suất 98%), bản thân máy phát do mất mát qua từ, điện, ma sát cơ khí nên hiệu suất còn 55%. Như vậy, hiệu suất phát điện từ động cơ xăng trên xe máy chỉ còn 16% so với năng lượng sinh ra từ xăng.

Đèn đầu (headlamp) trên xe máy đời cũ sử dụng bóng dây tóc - halogen ở chế độ chiếu gần (cos) có công suất 35 W, còn xe đời mới nếu xài LED công suất tiêu thụ giảm còn 18 W.

Một tài xế xe máy công nghệ chạy trung bình 3 giờ/ngày, phần năng lượng do bật đèn ban ngày 105 Wh (378000J với xe cũ) và 54 Wh (194400J, với xe mới). Với hiệu suất chỉ 16% nên xe máy phải chi năng lượng cung cấp cho bóng đèn tương ứng 2,360,000J (xe cũ) hoặc 1,215,000J (xe dùng LED).

Trong khi đó, 1 lít xăng sinh ra năng lượng theo lý thuyết 35,000 kJ. Mỗi ngày tài xế chạy xe máy cũ tốn 2.36/35 = 0.067 lít xăng hay cỡ 800 đồng tiền xăng (tạm tính 12.000 đồng/lít) hoặc 0.035 lít (400 đồng) nếu chạy xe mới.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG (Nguồn: Delco- Remy - Mỹ) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm