Bộ Công an: Chưa có xe vẫn có thể đấu giá biển số

Ngày 20-10, Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cung cấp thêm một số thông tin về sự cần thiết và những điểm mới của dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Theo dự kiến, Bộ Công an sẽ trình hồ sơ dự án luật này trong kỳ họp Quốc hội tới đây.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng C08, nhiều lần nhấn mạnh Luật Bảo đảm TTATGTĐB được xây dựng với phương châm lấy con người là trung tâm, mọi quy định đều nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người điều khiển xe.

Trừ điểm sẽ giảm tối thiểu việc tước GPLX

Theo Đại tá Bình, Nghị định 100/2019 quy định tới 2.983 hành vi vi phạm, trong đó số hành vi bị tước giấy phép lái xe (GPLX) là 985, chiếm 33%. Như vậy, tỉ lệ hành vi bị tước GPLX là nhiều nhưng thực tế cho thấy hiệu quả nâng cao ý thức của người lái xe từ hình thức phạt bổ sung này chưa cao.

Quá trình xây dựng luật, Cục CSGT đã tham khảo ý kiến từ nhiều quốc gia khác nhau, thấy rằng vấn đề cốt lõi phải làm sao để người điều khiển xe tự thấy cần bảo vệ quyền đi lại của mình. Quy định về trừ điểm GPLX sẽ đáp ứng điều này. “Quan điểm là sẽ hạn chế tối đa việc tước GPLX, hành vi nào thực sự nguy hiểm và cần thiết thì mới tước” - Đại tá Bình cho hay.

Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB quy định GPLX có 12 điểm trong 12 tháng, tính từ ngày cấp mới. Trong 12 tháng, người lái xe không bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi; ngược lại nếu bị trừ hết thì sẽ bị thu hồi GPLX và phải sát hạch lại.

Cục phó C08 khẳng định việc trừ điểm sẽ không tước ngay quyền lái xe của người điều khiển, thay vào đó sẽ cho họ quyền tự quyết định ở những lần cầm lái tiếp theo, nếu tiếp tục vi phạm và bị trừ hết điểm thì mới bị thu hồi GPLX. “Điều này là nhân văn, có lợi hơn cho người điều khiển xe” - ông Bình nói.

Đáng chú ý, lãnh đạo Cục CSGT cho biết sẽ có nghị định riêng quy định mỗi hành vi vi phạm bị trừ bao nhiêu điểm. Cùng với đó, số điểm trên GPLX sẽ gắn với trách nhiệm bảo hiểm của người điều khiển, nếu bị trừ nhiều điểm thì phải mua bảo hiểm giá cao hơn, ngược lại chấp hành tốt thì giá bảo hiểm sẽ thấp hơn.

Ngoài ra, trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý hành chính nhà nước, do đó việc trừ điểm không thể hiện trong quyết định xử phạt. Khi xử phạt, cán bộ CSGT vẫn tiến hành bình thường, sau đó dữ liệu về hành vi vi phạm sẽ được hệ thống tự động quy đổi bị trừ bao nhiêu điểm. Thông tin về điểm GPLX được công khai qua website hoặc tin nhắn điện thoại trực tiếp tới người điều khiển xe. Khi điểm số của GPLX về 0, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo, sau đó ra quyết định thu hồi GPLX.

Trước lo ngại về tình trạng tiêu cực, “cưa đôi” giữa người vi phạm và CSGT để tránh bị trừ điểm, Đại tá Bình cho biết Bộ Công an đã có giải pháp nhằm tăng cường giám sát đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Trong đó, tất cả quy trình xử lý của CSGT phải được ghi lại bằng camera, công khai, minh bạch. Nếu xảy ra khiếu nại, CSGT sẽ cung cấp dữ liệu điện tử để chứng minh chứ không để xảy ra tình trạng đôi co.

Trung tâm chỉ huy giao thông tại Cục CSGT. Ảnh: TUYẾN PHAN

Đấu giá trực tuyến, tránh tiêu cực

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết Bộ Công an chính thức đưa vào dự thảo quy định về đấu giá biển số xe. Đây sẽ là một trong hai hình thức cấp biển số được pháp luật công nhận.

Theo dự kiến, biển số sẽ được chia thành năm nhóm để đấu giá gồm: biển có năm chữ số giống nhau, biển có bốn chữ số cuối giống nhau, biển có ba chữ số giống nhau, biển có số sau lớn hơn số trước và biển do người dân tự chọn ngoài bốn nhóm trên. “Quan điểm của chúng tôi không có biển số đẹp, đẹp hay không là do nhu cầu của từng người. Chúng tôi phân chia các nhóm biển như trên và thị trường đấu giá sẽ quyết định giá trị của từng biển số” - cục phó C08 nói.

Để công khai, tránh tiêu cực, Bộ Công an quy định hình thức đấu giá là trực tuyến, đồng thời ký hợp đồng thuê một đơn vị thứ ba tổ chức đấu giá. Người dân tham gia đấu giá không phải mất phí, quá trình đấu giá sẽ được giám sát chặt chẽ. Số tiền thu được từ đấu giá biển số nộp vào ngân sách, một phần chi cho đơn vị, hội đồng đấu giá để sử dụng cho việc mua sắm phương tiện, in biểu mẫu...

Cũng theo lãnh đạo C08, đơn vị sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu về kho số. Hằng tháng, các phòng CSGT sẽ đưa lên hệ thống và thông báo cho người dân biết để lựa chọn, đấu giá. “Lấy ví dụ sáu tháng đầu năm 2021, Hà Nội dự kiến đăng ký 50.000 xe. Bắt đầu từ ngày 1-12-2020, cơ quan công an sẽ công khai có từng đó biển số, người dân có nhu cầu lựa biển số nào mà mình thích thì đăng ký. Tiếp đó, công an sẽ “chốt” để tổ chức đấu giá, những biển không có ai chọn sẽ chuyển sang bấm ngẫu nhiên” - cục phó C08 giải thích.

Đặc biệt, người dân vẫn có thể tham gia đấu giá biển số khi chưa có xe. Bởi biển số sau đấu giá sẽ có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản (quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt) theo quy định của pháp luật.

“Biển số xe sẽ gắn với trách nhiệm của người trúng đấu giá, khi biển gắn vào xe và tham gia giao thông sẽ được quản lý chặt chẽ, xảy ra hậu quả gì thì người sở hữu biển phải chịu trách nhiệm” - Đại tá Bình cho hay.

Hết thời “xe to đền xe bé”

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn, Cục CSGT, cho biết dự thảo mới nhất của Luật Bảo đảm TTATGTĐB bổ sung nhiều điểm mới mang tính tích cực.

Điển hình, luật quy định rõ nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông phải căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra để làm căn cứ bồi thường, không có chuyện “xe to đền xe nhỏ”.

Ngoài ra, luật bắt buộc người điều khiển xe phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường an toàn. Điều này không chỉ áp dụng ở nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu mà còn cả những nơi không có vạch kẻ đường.

Luật cũng đề ra hàng loạt quy định về bảo vệ trẻ em gồm: không để trẻ em ngồi hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe), đối với trẻ dưới bốn tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em… 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm