Bộ Công an: Quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người gây TNGT

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, cho biết trong phần về giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) đã trình Quốc hội có điểm mới là quy định cụ thể hơn về trách nhiệm người điều khiển phương tiện khi gây TNGT.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Đề xuất quy định mới chặt chẽ hơn

Cụ thể, tại Điều 54 của dự thảo quy định đối với người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ TNGT có trách nhiệm sau: Phải dừng ngay phương tiện không gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và thông báo cho cơ quan công an theo số điện thoại 113, gọi cấp cứu 115. Đồng thời ở lại hiện trường vụ TNGT cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan công an, UBND cấp xã nơi gần nhất hoặc quay lại hiện trường. Đặc biệt, phải cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ TNGT và thông tin xác thực của TNGT cho cơ quan có thẩm quyền. Hành vi bỏ trốn không lý do sau khi gây TNGT để trốn tránh trách nhiệm là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại dự thảo này.

Giải thích thêm, Đại tá Bình cho biết trong các vụ TNGT thì CSGT sẽ thực hiện kiểm tra nồng độ cồn, ma túy của các tài xế. Việc rời khỏi hiện trường mà không nhằm đi trình báo cơ quan chức năng sẽ ảnh hưởng tới kết quả kiểm tra. “Với nồng độ cồn, chỉ cần rời khỏi hiện trường 4 tiếng là có thể ảnh hưởng đến kết quả đo” - ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, quy định về việc này tại dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT ĐB chặt chẽ hơn cả về thời gian, địa điểm so với Luật GTĐB năm 2008.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, hướng dẫn giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết từ đầu năm đến nay xảy ra 361 vụ TNGT mà người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn. Hậu quả làm chết 220 người, bị thương 78 người.

Theo ông Nhật, TNGT là điều không mong muốn của các bên, lỗi trong vụ tai nạn đều là lỗi vô ý nhưng hành vi gây tai nạn mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không trình báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc không tham gia cấp cứu người bị nạn là rất đáng lên án. “Hành vi này không chỉ đánh dấu sự xuống cấp về mặt đạo đức mà còn cho thấy thái độ bất chấp, coi thường pháp luật của người lái xe. Cần phải lên án và xử lý nghiêm bằng quy định pháp luật” - Đại tá Nhật nhận định.

Hiện nay, Nghị định 100/2019 quy định mức phạt 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 5-7 tháng đối với ô tô và 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng đối với mô tô, xe máy nếu tài xế bỏ trốn khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn... Thậm chí, tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn gây ra, tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xây dựng đề án camera giám sát

Cũng theo dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB, Bộ Công an chú trọng rất nhiều quy định liên quan đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, Cục CSGT cho biết đang xây dựng đề án lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, các lỗi vi phạm giao thông sẽ có hệ thống camera giám sát ở các tuyến đường ghi lại làm chứng cứ điện tử. CSGT chỉ trực tiếp dừng xe, kiểm tra và xử lý các lỗi không thể phát hiện bằng quan sát mắt thường như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, cân tải trọng…

Lãnh đạo Cục CSGT khẳng định khi đề án trên được triển khai, CSGT sẽ tập trung lực lượng để làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết TNGT.

Ngoài ra, đề án cũng tính toán việc trang bị đồng bộ camera cho cảnh sát để ghi lại toàn bộ quá trình tuần lưu. Xe của CSGT sẽ gắn định vị và truyền dữ liệu về trung tâm. Với phương thức này, trung tâm chỉ huy có thể nắm bắt cụ thể từng xe tuần lưu đang ở vị trí nào, đi đâu, lộ trình ra sao. Khi có TNGT hoặc sự cố, xe tuần lưu nào ở gần hiện trường nhất sẽ được điều động nhằm tiếp cận nhanh nhất có thể.

Một nội dung đáng chú ý khác là kể từ ngày 1-1-2021 tới đây, lực lượng CSGT ngoài việc tuần tra kiểm soát như hiện nay sẽ kiêm thêm nhiệm vụ điều tra, xác minh và giải quyết TNGT tại tuyến đường mà mình được phân công.

Hàng loạt vụ gây tai nạn rồi bỏ trốn

Trưa 4-11, một chiếc xe tải lưu thông trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) tông trúng người phụ nữ đi xe đạp điện khiến nạn nhân tử vong. Thay vì dừng lại, tài xế xe tải lập tức điều khiển xe bỏ chạy, lực lượng CSGT cùng các đơn vị liên quan phải tổ chức truy tìm.

Ngày 3-11, Đặng Khánh T. (47 tuổi, trú tại Hà Tĩnh) điều khiển ô tô lưu thông trên tuyến đường thuộc xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên thì va chạm với hai nữ sinh đang đi xe đạp điện khiến cả hai phải nhập viện cấp cứu. Sau tai nạn, T. lái xe bỏ chạy. Phải mất nhiều thời gian công an mới truy tìm được tài xế này khi đang lẩn trốn trên địa bàn huyện Lộc Hà.

Rạng sáng 1-10, tại đường Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, CSGT nhận được tin báo vợ chồng anh Trần Văn Đ. (34 tuổi, trú Bắc Ninh) bị thương nặng do TNGT. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng anh Đ. tử vong do vết thương quá nặng. Điều đáng nói là khi công an có mặt tại hiện trường, chiếc ô tô gây ra vụ va chạm đã rời khỏi hiện trường, tài xế ô tô cũng không có mặt.

Theo Cục CSGT, việc này sẽ giúp lực lượng CSGT biết nguyên nhân gây ra tai nạn là gì, từ đó kịp thời phát hiện những bất cập trong việc tổ chức giao thông trên tuyến đường để có các giải pháp, kiến nghị phù hợp. Thời gian qua, cục đã triển khai nhiều đợt tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng giải quyết TNGT cho cán bộ, chiến sĩ để đáp ứng nhiệm vụ mới này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm