Cấm xe qua Cai Lậy, tài xế lo lắng, Bộ GTVT nói làm đúng

Liên quan đến việc tỉnh Tiền Giang vừa cho cắm biển cấm xe tải từ ba trục và xe khách từ 29 ghế trở lên lưu thông vào thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), hầu hết tài xế và doanh nghiệp không đồng tình và có nhiều thắc mắc. Đa số người được hỏi đều nhận định đây có thể là động thái của ngành chức năng để xem xét dời trạm và thu phí trở lại.

Doanh nghiệp vận tải, tài xế lo lắng

Anh Lê Huy, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cho biết vào thị xã Cai Lậy không chỉ đơn giản là đi từ TP.HCM về miền Tây hay ngược lại. Trong đoạn nội ô này có tuyến đường đi về Đồng Tháp và Long An sẽ gần hơn. “Tôi kinh doanh vận tải chở khách du lịch, nếu chở khách từ TP.HCM đi Gò Tháp (Đồng Tháp), tôi sẽ chọn đi đường từ Cai Lậy. Bởi vì tuyến này gần và tiện hơn. Giờ cấm không cho xe trên 29 chỗ lưu thông, tôi rất hoang mang” - anh Huy bày tỏ.

Bà LKN, chủ một doanh nghiệp nông sản, cũng cho biết việc đặt biển cấm khiến bà lo lắng vì hàng hóa sẽ khó để vận chuyển đi các nơi. “Nhà tôi có hai chiếc xe container chuyển hàng hóa. Theo Sở GTVT tỉnh, sau này tôi sẽ được cấp thẻ để ra vào. Tuy nhiên, đối với các phương tiện đến mua hàng thì phải làm sao? Chẳng lẽ phải chở từng xe nhỏ ra tuyến tránh để giao hàng thì phi lý quá” - bà N. thắc mắc.

Anh Nguyễn Minh Trung, chủ một nhà xe ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ, cho biết bản thân anh không đồng tình với chủ trương cấm xe đi vào thị xã Cai Lậy. Theo anh Trung, đường quốc lộ (QL) mà cấm xe thì rất vô lý. Hơn nữa, đoạn QL đi qua thị xã Cai Lậy là đường khá lớn, trong khi đó tuyến đường tránh lại nhỏ hơn và xuống cấp.

Cùng quan điểm, anh Lâm Chí Dũng, một tài xế ở tỉnh Hậu Giang, bày tỏ tài xế dĩ nhiên chọn đường gần và an toàn để lưu thông. Riêng về tuyến tránh Cai Lậy, mặt đường không đạt chuẩn, có dấu hiệu xuống cấp nhanh và nhỏ hơn QL, vì vậy rất ít tài xế chọn đường này để lưu thông. “Đơn cử như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đường tốt, rút ngắn thời gian nên cánh tài xế chúng tôi chọn để đi và chấp nhận trả phí. Từ khi cao tốc có đến nay, nếu đi TP.HCM, có ai chọn đi QL đâu, trừ khi cần ghé địa điểm nào trên QL thôi” - anh Dũng dẫn chứng.

Biển cấm xe tải từ ba trục và xe khách từ 29 ghế ngồi trở lên lưu thông vào thị xã Cai Lậy. Ảnh: CHÂU ANH

Biển cấm xe vào nội ô đúng quy định

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết ngày 14-10-2019, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang có báo cáo tình trạng QL1 đoạn qua nội ô thị xã Cai Lậy thường xuyên ùn tắc giao thông. Đặc biệt, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) khi các xe lưu thông qua cầu hẹp, trong các ngày lễ, tết…

Ngày 21-10-2019, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, họp với Sở GTVT tỉnh Tiền Giang. Qua báo cáo, kiểm tra, khảo sát hiện trường, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao cho các đơn vị tổ chức phân luồng xe qua nội ô và tuyến tránh thị xã Cai Lậy.

“Sau khi phân luồng, xe qua tuyến tránh tăng lên khoảng 4.420 lượt/ngày đêm. Lượng xe qua nội ô thị xã Cai Lậy giảm khoảng 4.420 lượt/ngày đêm. Còn khoảng 17.390 lượt/ngày đêm có thể lưu thông qua tuyến tránh hoặc qua nội ô thị xã Cai Lậy. Việc phân luồng này sẽ giảm áp lực qua tuyến nội ô, hạn chế ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt các ngày cuối tuần và lễ, tết…” - Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định. 

Ngày 23-10-2019, Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ) phối hợp với Ban ATGT, Sở GTVT và Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục có buổi làm việc về vấn đề trên. Theo đó, các bên thống nhất cấm xe tải từ ba trục và xe khách từ 29 chỗ trở lên lưu thông hai chiều trên QL1 đoạn qua nội ô thị xã Cai Lậy. Các xe này sẽ đi theo tuyến tránh. Đối với các loại xe còn lại (bao gồm cả xe buýt) sẽ được lưu thông trên QL1 đoạn qua nội ô thị xã Cai Lậy và tuyến tránh bình thường.

Về cơ sở pháp lý để cắm biển, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật hiện hành, việc tổ chức giao thông trên tuyến QL thuộc thẩm quyền của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Theo đó, căn cứ vào đề xuất của địa phương, quá trình kiểm tra thực tế, việc cắm biển điều tiết giao thông vào nội ô thị xã Cai Lậy là đúng quy định pháp luật.

“Không riêng gì Cai Lậy, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế… hiện đang triển khai việc này. Chúng ta cũng phải thấy, nếu không có trạm thu phí BOT Cai Lậy mà địa phương báo cáo tình trạng ùn tắc giao thông thì các bên phải ngồi lại để thống nhất phương án nhằm đảm bảo ATGT…” - vị đại diện Vụ ATGT giải thích thêm.

Cũng theo đại diện Vụ ATGT, đối với các xe bị cấm, nếu muốn vận chuyển hàng hóa hoặc có địa chỉ cư trú ở nội ô sẽ được Sở GTVT cấp phép để lưu thông vào nội ô thị xã Cai Lậy. “Việc phân luồng giao thông trên sẽ không ảnh hưởng đến đời sống, tình hình an ninh trật tự của địa phương” - vị đại diện Vụ ATGT nhấn mạnh.

Chỉ nhắc nhở phương tiện vi phạm, chưa xử phạt

Chiều 13-2, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), xác nhận đã tiến hành đặt biển cấm xe từ ba trục và xe khách từ 29 ghế trở lên lưu thông vào thị xã Cai Lậy. Cùng với đó, các đơn vị liên quan cũng sẽ tiến hành xử phạt các xe vi phạm.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết thời gian đầu, ngành chức năng chỉ nhắc nhở các xe vi phạm chứ chưa tiến hành xử phạt. Cũng theo ông Bon, đối với các đơn vị kinh doanh lúa gạo, kinh doanh vận tải ở thị xã Cai Lậy, sở sẽ cho những đơn vị này đăng ký và những xe có thẻ đăng ký vẫn được lưu thông vào thị xã Cai Lậy. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm