Cao tốc Bắc - Nam: gần 120.000 tỉ đồng cho hơn 650 km

Theo kế hoạch, Chính phủ sắp trình Quốc hội “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020” để Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.

Dự án đi qua 32 tỉnh, thành

Theo đó, dự án sẽ có điểm đầu thuộc tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối là Cà Mau với chiều dài 2.109 km. Đến nay một số đoạn đã đưa vào khai thác hoặc đang thực hiện đầu tư.

Hiện toàn tuyến còn lại các đoạn sau cần đầu tư: 1.372 km đoạn Hà Nội - TP.HCM, 150 km đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau và 7 km cầu Mỹ Thuận 2.

Để đầu tư phần còn lại, dự án sẽ được phân kỳ làm ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn một từ năm 2017 đến 2020, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 với tổng chiều dài 654 km và qua 13 tỉnh.

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương, dự án sẽ được khởi công vào năm 2019.

Tổng số mức đầu tư giai đoạn này là 118.716 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ để giải phóng mặt bằng, xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP và các dự án đầu tư công Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.  Như vậy nguồn vốn còn lại phải thu hút nhà đầu tư là 63.716 tỉ đồng.

Về tiến độ, giai đoạn 1 dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành năm 2021.

Giai đoạn 2021-2025, đầu tư đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe; giai đoạn sau 2025, đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.

Theo tờ trình, Bộ GTVT cũng nêu ra tính cấp bách của tuyến cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, giai đoạn 2017-2020 là không thể trì hoãn. Nguyên nhân, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, tỉ lệ các công trình hiện đại (như hệ thống đường cao tốc) còn thấp so với các nước trong khu vực và được xác định là điểm nghẽn của quá trình phát triển.

"Sợ" không có nhà đầu tư và phải chỉ định

Tờ trình của Chính phủ cho rằng để triển khai thành công các dự án PPP (đối tác công tư), không thể quyết định bởi phía cơ quan Nhà nước mà phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Như mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận các lĩnh vực khác, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn... Đặc biệt, trong thực tế, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và đường vành đai 3 TP.HCM, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch nhưng không thành công.

Trong điều kiện chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao, hành lang pháp lý và điều kiện hiện nay chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như yêu cầu các nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài. Vì vậy, trường hợp các cơ chế, chính sách đề xuất được chấp thuận vẫn chưa thể khẳng định tất cả các dự án thành phần sẽ đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư. 

Để triển khai dự án theo quy định cần nhiều thời gian. Nếu các cơ chế, chính sách được chấp thuận thì có thể khởi công dự án thành phần sớm nhất trong năm 2019, tuy nhiên việc hoàn thành 654 km và giải ngân toàn bộ 55.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2017-2020 rất khó khả thi, đặc biệt là phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ giải phóng mặt bằng.

Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Theo đó, trường hợp một số đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện giải phóng mặt bằng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017-2020. Đồng thời giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án sử dụng phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm