Cao tốc Bắc-Nam không có miền Tây Nam bộ?

Liên quan dự án cao tốc Bắc-Nam, nhiều người dân và chuyên gia cầu, đường thắc mắc tại sao dự án lại chỉ tập trung đầu tư ở trục chính Hà Nội - TP.HCM mà không quy hoạch đầu tư đường đi các tỉnh phía Bắc hay miền Tây Nam bộ.

Ưu tiên cho trục Hà Nội - TP.HCM

Lý giải vấn đề này, Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1-3-2016) thì tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc-Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Trong đó, đoạn Hà Nội - Lạng Sơn: Đã đầu tư và đưa vào khai thác 46 km đoạn Hà Nội - Bắc Giang quy mô sáu làn xe; đang đầu tư 64 km đoạn Bắc Giang - TP Lạng Sơn quy mô bốn làn xe; đã phê duyệt dự án đoạn TP Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị, khởi công năm 2017, hoàn thành năm 2019.

Đoạn TP.HCM - Cà Mau: Hiện đoạn TP.HCM - Trung Lương (Tiền Giang) đã hoàn thành đưa vào khai thác; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (Vĩnh Long) đang thực hiện đầu tư; đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang lựa chọn nhà đầu tư; đoạn Cần Thơ - Cà Mau hiện nay đã có tuyến quốc lộ (QL) 1 và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp song hành nên cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đến sau năm 2030.

Như vậy, tuyến cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc-Nam các đoạn Lạng Sơn - Hà Nội, đoạn TP.HCM - Cà Mau đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Còn lại đoạn Hà Nội - TP.HCM chiều dài khoảng 1.622 km cần nghiên cứu đầu tư. Trong đó, trên tuyến Hà Nội - TP.HCM hiện đã đưa vào khai thác 123 km gồm các đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ (30 km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50 km), TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (43 km); đang triển khai thi công 127 km đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Còn lại khoảng 1.372 km cần tiếp tục được đầu tư.

Ngoài ra, Bộ GTVT cho biết hành lang kinh tế Bắc-Nam từ Hà Nội đến TP.HCM có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế nước ta; kết nối thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua địa phận 20 tỉnh, TP, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng 67% các khu kinh tế của cả nước. Đến năm 2020, vai trò của hành lang này lại càng quan trọng, đóng góp tỉ trọng GDP rất lớn cho đất nước. “Với vai trò quan trọng như vậy nên cần thiết phải ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển cho hành lang này, đặc biệt là yêu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại...” - lãnh đạo Bộ GTVT lý giải về sự cấp thiết trong việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam.

QL1A đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp được đầu tư mở rộng. Ảnh: GIA TUỆ

Tỉ trọng đầu tư còn thấp so với cả nước

Ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, nhận định thời gian qua Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL nói riêng và TP Cần Thơ nói chung. Tuy nhiên, tỉ trọng đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL so với tỉ trọng cả nước còn thấp. Do đó, thời gian tới Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa cho giao thông ĐBSCL. “Trong đó, đối với Cần Thơ rất cần mở rộng QL91 đoạn từ Km 0 đến Km 7, nâng cấp tuyến nối từ ngã năm nút giao IC3 đến cảng Cái Cui để kết nối với QL Nam Sông Hậu, đặc biệt là sớm đẩy nhanh để hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ” - ông Đồng kiến nghị.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cũng cho rằng hiện nay cần nhất là sớm hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ để đến năm 2019 có thể kết nối toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ, qua đó giải quyết được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa từ vùng ĐBSCL đi TP.HCM và các vùng, miền lân cận. “Một thực tế là hiện nay trục dọc giao thông vùng ĐBSCL cơ bản đáp ứng nhu cầu với các tuyến huyết mạch là QL1A, tuyến N2 (là một trong ba trục chủ yếu: QL1A ở phía Đông, QL N1 ở phía Tây và N2 ở giữa - trục dọc nối QL22 và QL30 xuyên qua khu vực Đồng Tháp Mười - PV). Còn các tuyến trục ngang đã và đang được đầu tư nhưng hiện vẫn còn những tuyến đang quá tải cần phải đầu tư ngay. Đơn cử như vừa qua tuyến QL91 đoạn Cần Thơ đi Long Xuyên đã làm rồi nhưng so với nhu cầu sử dụng thì hiện cần phải tiếp tục mở rộng thêm hoặc tính toán thêm một đường mới thì mới đáp ứng được yêu cầu từ bây giờ” - ông Thống chia sẻ.

Cũng theo ông Thống, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông rất quan trọng, qua đó là động lực cho sự phát triển. Với Cần Thơ, một đoạn chỉ 7 km của QL91 (từ Km 1 đến Km 7) nhưng khó khăn về vốn nên đến nay Bộ GTVT vẫn chưa thu xếp được vốn để triển khai. Đoạn này nhiều năm qua TP mong muốn được triển khai nhưng cũng phải chờ. “Tuyến đường này mật độ giao thông dày đặc, tiềm ẩn rất cao nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt ùn tắc khi vào giờ cao điểm. Vừa qua chính tôi phải ký văn bản để hạn chế xe trên 10 tấn lưu thông ở đoạn 7 km này trong giờ cao điểm nhằm đảm bảo an toàn giao thông” - ông Thống nói.

 

Hạ tầng giao thông ĐBSCL chưa đáp ứng

Vùng ĐBSCL - vựa lúa, vựa trái cây và thủy sản của cả nước và là vùng có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với 340 km đường biên giới với Campuchia, sáu cửa khẩu quốc tế, có đường bờ biển dài khoảng 740 km và vùng biển rộng lớn tiếp giáp với các nước ASEAN, có điều kiện thuận lợi phát triển giao thương với các nước trong khu vực. Do đó GTVT có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển KT-XH đối với vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL xuất phát điểm về kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ so với mặt bằng chung của cả nước thấp, điều kiện tự nhiên phức tạp, nhiều sông ngòi lớn, địa chất yếu nên suất đầu tư các công trình giao thông rất lớn, đặc biệt là các cầu bắc qua sông Tiền, sông Hậu. Dù thời gian qua Chính phủ đã ưu tiên một phần nguồn lực đáng kể để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL nhưng trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp nên cơ sở hạ tầng GTVT phần nào chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH cũng như các tiềm năng lợi thế của vùng.

_________________________________

34 là số dự án giao thông vùng ĐBSCL đã được hoàn thành trong giai đoạn 2010-2015, theo báo cáo của Bộ GTVT. Tổng mức đầu tư các dự án này gần 52.500 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 1.036 km đường và 60,2 km cầu được đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng.

Một số công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt của vùng như các cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Năm Căn, Rạch Miễu, Mỹ Lợi, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu, mở rộng QL1 Cần Thơ - Phụng Hiệp, nâng cấp mở rộng QL91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên - Hà Tiên…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm