Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ xong trong năm 2020

“Trước Tết, tất cả gói thầu đã dừng thi công do vướng mắc về vốn và nhiều vấn đề khác. Nhưng sau khi Chính phủ có chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vào ngày 18-3 chúng tôi đã lập tức triển khai các biện pháp nhằm vào cuộc để tái khởi động dự án và đẩy nhanh tiến độ” - ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Công ty Trung Lương - Mỹ Thuận), cho biết trong chuyến khảo sát dự án, ngày 14-4.

Đẩy nhanh tiến độ thi công

Theo ông Mai Mạnh Hồng, hiện tại khối lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 15%. Từ tháng 5 tới các nhà thầu sẽ tăng tốc thi công, đến cuối năm nay dự kiến đạt 55%-60% tiến độ và hoàn thành thông tuyến trong năm 2020.

ngày 13-4, pv pháp luật tp.hcm đã đi khảo sát thực tế tại gói thầu XL-06 với lý trình ở Km 51+434 - Km 52+600 và cầu Kênh Năng - cầu Sáu Ầu và gói thầu LX08 ở khu vực cầu Kênh Xáng (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Ghi nhận tại công trường, không khí ở các gói thầu này diễn ra khẩn trương với nhiều máy cẩu, máy đào, máy ủi được huy động. Các công nhân ráo riết làm việc dù thời tiết buổi trưa tại khu vực này nắng rất gắt.

Anh Vũ Văn Toàn, công nhân đang thi công tại gói thầu LX08, cho biết: “Chúng tôi vẫn đang làm khẩn trương và khi nào cần thiết thì sẽ tăng ca để đảm bảo tiến độ. Tôi mới làm được một tháng nay, công việc cũng không khó khăn gì”.

Giám đốc điều hành gói thầu LX08 - ông Xuân Lịch thông tin trong khoảng 20 ngày nay công trường với 60 công nhân hoạt động hết công suất và tiếp tục công việc dang dở trước đây như đào bóc hữu cơ, dọn dẹp mặt bằng, bơm cát...

“Về công tác bơm cát đã đạt 59% tiến độ, còn tiến độ chung thì trong năm nay sẽ đảm bảo 80% toàn bộ gói thầu. Hiện mặt bằng không vướng gì cả, chúng tôi chỉ có khó khăn về tài chính, nếu được giải quyết thì sẽ đảm bảo tiến độ” - ông Lịch nói.

Các công nhân đang ráo riết thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Giải cứu dự án bằng nhiều cách

Ông Mai Mạnh Hồng chia sẻ về những khó khăn của dự án: “Dự án đã làm 10 năm rồi, vướng mắc ban đầu lớn nhất là vốn. Dự án trước đây đã ký hợp đồng tín dụng rồi nhưng không giải ngân được do nhiều lý do. ví dụ, sự chênh lệch vốn vay trong hợp đồng dự án và lãi vay ngân hàng, chênh lệch này khoảng 3%-4% nên ngân hàng không giải ngân được”.

Để giải quyết vấn đề này, đầu tiên sau khi chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về tỉnh Tiền Giang thì Công ty Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ ký hợp đồng dự án với tỉnh Tiền Giang và phải lập phương án tài chính với ngân hàng rồi đàm phán lại về hợp đồng tín dụng.

Trung tuần tháng 2, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án. Trong đó, Phó Thủ tướng thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang về đề xuất chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang. 

“Phải cuối năm nay mới xong vấn đề tín dụng và dự án được giải ngân. Nhà đầu tư đã giải ngân vốn chủ sở hữu vượt hợp đồng dự án, đạt 2.000 tỉ đồng nhưng nguồn vốn ngân hàng không có sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đã họp các nhà thầu và cùng động viên họ huy động các nguồn lực để thi công đồng loạt trở lại” - ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, ngoài khó khăn về vốn thì các giải pháp thi công, triển khai dự án cũng đang được ráo riết thực hiện. Ví dụ, với dự án đã tạm dừng thì có hai phần: một là phần đã thi công rồi và phần chưa thi công. Phần đã thi công nhiều vấn đề hơn như phải có các đánh giá cụ thể, kiểm định các công việc trước đó và đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vật liệu tất cả gói thầu khi thi công đồng loạt, Công ty Trung Lương - Mỹ Thuận đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang khảo sát các tuyến đường bộ, đường thủy có thể mượn tạm các đường dân sinh để vận chuyển thuận lợi vật liệu vào các công trình

Ông Đỗ Văn Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả - một trong các chủ đầu tư dự án, cho biết đã đưa ra các giải pháp quyết liệt như ngay lập tức thành lập văn phòng hiện trường (trung tâm đầu não của dự án) ở Tiền Giang, trước đây dự án không có văn phòng hiện trường.

“Việc chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về Tiền Giang, ngay địa phương của dự án cũng sẽ giải quyết nhanh chóng các vấn đề” - ông Nam nói.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km, quy mô bốn làn xe với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang).

Dự án đã được khởi công xây dựng cách đây 10 năm với tổng mức đầu tư 9.668,5 tỉ đồng theo hình thức BOT và đã một lần thay đổi chủ đầu tư (dự án có sáu nhà đầu tư trong liên danh đầu tư). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm