‘Chọn mặt gửi vàng’ cho dự án sân bay Long Thành

Ngày 12-11, Quốc hội (QH) thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một do Chính phủ trình và dự thảo nghị quyết về vấn đề này. Các đại biểu (ĐB) đều đồng tình rằng làm sân bay Long Thành là cần thiết nhưng vẫn có quan điểm khác nhau về việc doanh nghiệp nào sẽ được giao triển khai dự án.

Tư nhân cũng có thể làm tốt

Giai đoạn một  của sân bay Long Thành có bốn hạng mục. Chính phủ đề nghị giao hạng mục một cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư và cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; hạng mục hai giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục ba giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục bốn giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.

Theo tờ trình của Chính phủ: “ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền”. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt vấn đề: “Đến nay chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi, vậy còn 13 cảng vẫn phải bù lỗ, chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần”.

Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao chủ trương giao sân bay Long Thành cho ACV triển khai vì đơn vị này có lợi thế, kinh nghiệm đầu tư và quản lý cảng hàng không.

Nhưng ĐB Cường cũng nêu quan điểm chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm, khả năng trong việc đầu tư cảng hàng không, còn các doanh nghiệp tư nhân khác thì không. Có nhiều dự án dù tư nhân đầu tư chưa có kinh nghiệm nhưng vẫn thành công, điển hình như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chỉ làm mất hai năm.

Từ đó ĐB Cường đề nghị Chính phủ nên kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực, có mong muốn, nguyện vọng quan tâm đầu tư các hạng mục vào dự án cùng ngồi lại với nhau và trong đó lấy ACV là hạt nhân để liên kết những nhà đầu tư này.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ ý nghĩ: Cử tri, nhân dân và ĐBQH đều đồng ý phải xây dựng sân bay Long Thành càng sớm càng tốt. Dự án này phải tạo động lực cho Việt Nam cất cánh, vươn cao, thoát bẫy thu nhập trung bình. Nhưng nếu làm không tốt, nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án “trùm mền, đắp chiếu” đang tồn tại.

Theo ông Nghĩa: “Dự án này phải là một phần thưởng quý báu, không thể là một di sản “bỏ thì thương, vương thì tội”” trên vai các thế hệ mai sau”.

ĐB Nghĩa cho hay đã tham khảo ý kiến các chuyên gia và tán thành ý kiến của các ĐB nói trên. “Tôi hết sức tán thành chủ trương giao cho các nhà đầu tư trong nước nhưng về vốn thì chắc chắn sẽ phải sử dụng cả hai nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư công, bao gồm vốn tự có, vốn ngân sách, vốn vay trong nước và nước ngoài” - ông Nghĩa nói và cho rằng nếu ACV đủ lực thì cũng không ngại cạnh tranh lành mạnh.

Đại diện ACV thuyết minh dự án sân bay Long Thành cho đại biểu bên lề Quốc hội. Ảnh: C.LUẬN

Sẽ huy động nguồn lực trong nước

Khi có nhiều ĐB nhắc đến sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đã đặt lại vấn đề: “Nhiều ĐB cũng đặt ra câu hỏi Sungroup làm được sân bay Vân Đồn, tôi đặt ra câu hỏi tại sao ACV không làm được hơn Sungroup? Bởi vì chúng ta có QH, có Chính phủ, có sự chỉ đạo, có nguồn lực, tại sao chúng ta không làm được?”.

Góp ý thêm, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng: Chính phủ đề xuất giao sân bay Long Thành cho ACV và VATM làm chủ đầu tư thì QH cũng nên xem xét đưa ra một số tiêu chí mang tính định hướng, vừa để đảm bảo đường lối được hoạch định một cách rõ ràng và vừa tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ thực hiện.

Theo ĐB Sơn, ngoài lý do quốc phòng, an ninh, đảm bảo tính đồng bộ, lợi ích của Nhà nước thì việc bỏ ra tiền để giải phóng mặt bằng từ sự chỉ đạo, điều phối của Nhà nước là rất cần thiết. “Cả nước hiện nay có tới 22 cảng hàng không, trong số đó cảng hàng không hoạt động có hiệu quả chỉ vài cái nhưng cả hệ thống không vì vậy mà trở nên kém phần quan trọng” - ĐB Sơn nói.

ĐB Sơn cũng đề cập đến năng lực nhà đầu tư một cách chi tiết: “Cảng hàng không là một công trình phức hợp, càng to thì vận hành quản lý càng phức tạp. Chủ đầu tư làm thì dễ nhưng làm chủ được cái mới, cái lớn thì rất khó. Đó là điều cần phải cân nhắc”.

Nhìn nhận vấn đề theo góc độ tài chính, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá: Nếu ACV được giao dự án sân bay Long Thành thì cần đi vay trên 2,6 tỉ USD. Mức lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 20 năm và 10 năm tương đối thấp, chỉ số hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng của Việt Nam thấp, triển vọng FED đã ba lần hạ lãi suất và khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất hiện hành cho tới năm 2020.

ĐB Đồng cho rằng khoản vay này có tính vào nợ công thì cũng chưa đụng trần, khi năm 2020 với mức tăng trưởng GDP dự kiến 6,8% so với năm 2019, hạn mức nợ nước ngoài của quốc gia tối đa có thể tới cỡ 144 tỉ USD. Như vậy, dư địa nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả cũng được nới rộng, bảo đảm cho phương án huy động vốn quốc tế của ACV có điều kiện thực hiện. 

Trước nhiều góp ý của các ĐB, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin hiện ACV có khoảng 25.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2019-2025, dự kiến tích lũy 12.339 tỉ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kế hoạch từ nay đến năm 2025, ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có được 36.607 tỉ đồng, tương đương 1,566 tỉ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.

Phần vốn còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thỏa thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỉ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn năm năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5%-5,5%/năm.

“Hiệu quả kinh tế của dự án sân bay Long Thành rất cao. Nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn yên tâm hỗ trợ ACV” - bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của ĐBQH, huy động nguồn lực trong nước trước. Khi nào nguồn lực trong nước không đảm bảo mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài.

“Chúng tôi sẽ làm việc với ACV xin cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức quốc tế để tăng cường công tác hỗ trợ cho ACV, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất” - ông Thể nói.

Riêng tiến độ liên quan đến việc giao thầu, Chính phủ đồng tình cao phải nhanh chóng chọn nhà đầu tư, vì có nhà đầu tư thì mới có thể bắt đầu làm hồ sơ thiết kế và triển khai các bước tiếp theo. Việc chọn được nhà đầu tư nhanh nhất là mấu chốt để có thể khởi công dự án vào năm 2021.

Ông Thể cũng cho biết dự án sẽ áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Trong quá trình thực hiện nếu có công nghệ mới tốt hơn, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ, cập nhật, đảm bảo khi sân bay vận hành, thiết bị đó phải hiện đại nhất trong thời điểm đó.

Đánh giá hiệu quả kinh tế cao

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, khi sân bay Long Thành hoàn thành, lượng khách thông qua có thể đạt ngay 20-25 triệu khách/năm. Những sân bay khác như Cần Thơ xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm. Lượng khách qua sân bay Vân Đồn trong năm đầu cũng rất thấp.

“Riêng sân bay Long Thành vừa xong sẽ đảm bảo lượng khách thông qua tới 25 triệu khách/năm. Đến năm 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn hai có thể lên tới 100 triệu khách/năm… Chính vì thế, tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao…” - ông Thể nhấn mạnh.

Về giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Văn Thể cho hay Chính phủ có ban chỉ đạo công trình trọng điểm quốc gia do một phó thủ tướng đứng đầu và thường xuyên kiểm tra tình hình giải phóng mặt bằng tại Đồng Nai. Thực tế, việc giải phóng mặt bằng chậm có nhiều lý do. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của ĐBQH sẽ phối hợp với Đồng Nai, báo cáo Chính phủ, đảm bảo mặt bằng trước hết cho giai đoạn một của dự án. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm