Chưa tăng giá qua các trạm BOT thuộc TP.HCM

Tại cuộc cà phê trao đổi thông tin sáng 16-1, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường cho biết từ nay đến năm 2020 sẽ chưa tăng giá qua các trạm BOT thuộc TP quản lý. Đó là các trạm An Sương - An Lạc, cầu Phú Mỹ, trạm đường Nguyễn Văn Linh, trạm vào cảng Phú Hữu (hiện chưa thu) và trạm xa lộ Hà Nội (hiện tạm ngưng thu từ 1-1-2018 và có thể thu lại từ sau năm 2019 khi mở rộng xong xa lộ Hà Nội, đoạn từ nút giao Đại học Quốc gia đến cầu Đồng Nai).

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, các trạm BOT thuộc TP.HCM quản lý được xây dựng đúng  quy hoạch, các quy định của pháp luật; đặt đúng vị trí và thu giá đúng đối tượng.

Theo báo cáo của Sở, qua rà soát lại các trạm BOT thuộc TP quản lý cho thấy hình thức đầu tư BOT là phù hợp với tình hình ngân sách còn eo hẹp trong điều kiện hệ thống cầu, đường đòi hỏi phải được đầu tư nhanh chóng, theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hiện nay giá thu qua các trạm BOT thuộc TP quản lý là thấp hơn so với mặt bằng chung (qua trạm An Sương - An lạc là 15.000 đồng lượt/xe; trạm cầu Đồng Nai hoặc quốc lộ 1K là 20.000 đồng; quốc lộ 13 là 25.000...

Trạm BOT quốc lộ 1K nằm liền kề TP nhưng có giá thu cao hơn các trạm thuộc TP.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Sở GTVT đã và đang tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư BOT triển khai việc thu giá tự động không dừng; tăng cường duy tu, bảo dưỡng cầu, đường trên tuyến thu giá; đặc biệt, từ nay đến năm 2020 sẽ xem xét chưa tăng giá thu qua các trạm...

Ông Cường cũng yêu cầu các chủ đầu tư trạm BOT tăng cường tuyên truyền cho người dân biết về quá trình, lịch sử hình thành trạm thu, mục đích thu và đối tượng tương thu... "Sở GTVT và UBND TP khuyến khích, nêu gương các nhà đầu tư trạm BOT giảm giá thu với các loại xe của người dân, doanh nghiệp nằm trên đường, gần kề trạm thu hoặc miễn thu với xe quay đầu trong ngày như cách IDICO - IDI đã làm trên tuyến An Sương - An Lạc" - ông Cường nói.

Trạm thu chính và các cửa thu phụ của nhà đầu tư IDICO - IDI trên tuyến An Sương - An Lạc dài 14 km áp dụng thu tự động bằng đọc biển số và miễn giảm giá cho xe nằm trên, gần kề trạm, xe quay đầu trong ngày nên được người dân đồng thuận.

Về việc trạm thu giá xa lộ Hà Nội đã tạm ngưng thu từ 1-1-2018 nhưng nơi đây vẫn là điểm nghẽn giao thông ở cửa ngõ TP, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII), cho biết trạm vẫn phải tồn tại, chưa thể tháo dỡ để mở rộng mặt đường.

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc CII: Trạm BOT Xa lộ Hà Nội tạm ngưng thu nên chưa thể gỡ bỏ để mở rộng mặt đường cho lưu thông, gỡ điểm nghẽn ở cửa ngõ TP.

Cũng theo bà Bảo Trâm, dù trạm xa lộ Hà Nội ngưng thu nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như camera, đèn led, cửa thu giá không dừng... vẫn được duy trì, duy tu, bảo dưỡng để đến năm 2019 khi được thu lại thì hệ thống sẽ hoạt động tốt. 

Cạnh đó, bà Bảo Trâm cho biết trong thời gian ngưng thu nhưng vẫn có lực lượng duy tu, bảo dưỡng các làn đường, cửa ra vào trạm và tham gia điều tiết xe qua trạm...

Ông Bùi Xuân Cường yêu cầu CII và Khu quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở GTVT cần sớm lắp đặt hệ thống biển báo, đèn cảnh báo, hướng dẫn từ xa cho xe qua khu vực trạm thu giá đã tạm ngưng. "CII và Khu 2 phải triển khai ngay các cửa dành cho các loại xe được ưu tiên, thoát nhanh qua trạm. Mùa vận tải cuối năm đã đến, lượng xe tăng lên nhưng không được để kẹt xe ở khu vực trạm thu giá xa lộ Hà Nội..." - ông Cường chỉ đạo.

Tại cuộc gặp ông Cường cũng thông tin, hiện các dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An, dài 8 km và quốc lộ 22 từ An Sương đến Mộc Bài dài 54 km sẽ không đầu tư theo hình thức BOT nhưng hiện Sở GTVT và TP đang tìm hình thức đầu tư phù hợp để sớm tháo gỡ ách tắc của hai tuyến giao thông liên vùng, liên quốc gia này...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm