Có thể bỏ ngay nhiều điều kiện kinh doanh vận tải

Hội thảo lấy ý kiến rà soát danh mục điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực GTVT trở thành dịp để các doanh nghiệp (DN) vận tải nêu các nỗi khổ của mình. Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ GTVT tổ chức ngày 26-3.

Hàng chục tỉ đồng “đắp chiếu”

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng cần phải xóa bỏ triệt để cơ chế xin-cho, chuyển sang hậu kiểm để tránh tình trạng DN bị thiệt hại do chính sách. “Có những DN bỏ ra cả 130 tỉ đồng để mua xe nhưng phải “đắp chiếu” vì chờ được chấp thuận quy định liên quan đến bến bãi” - ông Thanh cho biết và hy vọng dự thảo Nghị định 86 tới đây sẽ tháo gỡ được những vấn đề về đăng ký kinh doanh, đăng ký vào tuyến, bến, bãi…

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cũng đồng ý phải tháo gỡ nhiều ĐKKD để giảm chi phí, giảm giá thành và nói rằng có nhiều ĐKKD nằm ở cấp thông tư và Bộ GTVT có thể gỡ ngay được. “Chẳng hạn chu kỳ kiểm định xe cơ giới nên là 24 tháng thay vì 12 tháng như hiện nay để DN đỡ tốn kém. Mỗi xe kiểm định phải dừng 40 phút, hàng trăm chiếc cùng đăng ký thì chi phí về tiền bạc, thời gian là rất lớn” - ông Hùng nói.

Hay về việc kiểm định đồng hồ taxi, ông Hùng nói Nhà nước đã kiểm soát chặt về chất lượng mà vẫn bắt DN đăng kiểm một năm/lần. Ông Hùng đề nghị bỏ quy định này để các DN tự chịu trách nhiệm với xã hội.

Theo các hãng xe, Bộ GTVT nên bỏ thủ tục cấp, dán phù hiệu xe hợp đồng trước kính. Ảnh: LƯU ĐỨC

Bỏ thì phải bỏ hẳn

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu đồng tình với cách làm của Bộ GTVT khi thống kê tới 570 ĐKKD và dùng làm cơ sở để cắt giảm. Tuy vậy, ông Hiếu băn khoăn: “Có những ĐKKD thì không phải là cắt bỏ mà chuyển ĐKKD từ “trạng thái này sang trạng thái khác”. Theo tôi, Bộ GTVT nên mạnh dạn cắt giảm, bãi bỏ, bởi chỉ có bỏ hẳn các ĐKKD mới là giảm gánh nặng cho DN”.

Theo ông Hiếu, đợt rà soát này của Bộ GTVT cũng như các bộ khác vẫn mang tính cơ học và kỹ thuật. “Phải coi đây là cải cách về ĐKKD và phải có chủ thuyết” - ông Hiếu khuyến nghị. Cụ thể hơn, ông Hiếu cho hay Bộ GTVT căn cứ vào luật đang phân chia vận tải hành khách thành các loại hình cụ thể và cố gắng để các loại hình này không “lấn sân” các loại hình khác. “Chúng ta quy định xe hợp đồng không được đón trả quá 30% số khách chắc là để hạn chế xe hợp đồng trà trộn, tranh giành với xe tuyến cố định. Nhưng cái cần phải làm để các loại hình cạnh tranh với nhau” - ông Hiếu nêu.

Chuyên gia Ngô Trí Long hoan nghênh Bộ GTVT và đề nghị phải loại bỏ các ĐKKD không cần thiết như yêu cầu về phương án kinh doanh, bố trí đủ xe và tài xế, có nơi đỗ xe phù hợp, người điều hành... “Bản thân DN hẳn sẽ nắm rõ nhất nhu cầu thị trường để có phương án kinh doanh, nhân sự phù hợp, không cần Nhà nước phải quy định cụ thể” - ông Long nói.

Ông Long cũng đề xuất bãi bỏ những quy định đối với xe hợp đồng như tài xế mang theo hợp đồng, danh sách hành khách theo quy định vì tạo gánh nặng không cần thiết cho DN…

Đã cắt giảm 83/129 thủ tục vận tải đường bộ

Trong quá trình rà soát những ĐKKD nào không phù hợp Luật Đầu tư, gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình gia nhập thị trường của DN thì sẽ gỡ bỏ. Những gì có thể chuyển sang hậu kiểm thì chúng tôi sẽ chuyển sang.

Trong lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 83/129 thủ tục, ĐKKD. Một số ĐKKD liên quan tới quy mô DN thì lần này sẽ bỏ để không gây khó cho DN…

 TRỊNH THỊ HẰNG NGA
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm