Đà Nẵng tính làm một loạt hầm chui chống ùn tắc

Theo đó, các đơn vị tư vấn đã trình bày các phương án thiết kế đề xuất hai nút giao thông này với lãnh đạo TP.

Cụ thể, đối với nút giao thông phía Tây cầu Rồng có ba phương án bao gồm phương án 1: Hầm chui hai chiều dọc theo đường Bạch Đằng, kết hợp đầu tư đường Hoàng Văn Thụ nối dài ra đường Bạch Đằng để tăng hiệu quả lưu thông với tổng kinh phí dự kiến 218 tỉ đồng.

Phương án 2: Hầm chui song song (một theo hướng Bạch Đằng - 2/9; một theo hướng Trần Phú - Triệu Nữ Vương) với tổng kinh phí dự kiến khoảng 276 tỉ đồng.

Và phương án 3 là giao thông cùng mức di chuyển theo hình xuyến mở rộng và cải tạo cảnh quan trong lòng nút với kinh phí dự kiến khoảng 20 tỉ đồng, phần giải tỏa là 1.100 tỉ đồng.

Đối với nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý có hai phương án giao khác mức gồm: Phương án quy mô ba tầng với kinh phí trên 520 tỉ đồng (báo Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết) và phương án một hầm chui kết hợp đèn tín hiệu với tổng kinh phí hơn 188 tỉ đồng.  

Phối cảnh tổng thể phương án nút giao thông hầm chui phía Tây cầu Rồng. Ảnh: EEC

Theo đó, đa số các ý kiến thảo luận tại cuộc họp với lãnh đạo TP cũng như ý kiến phản biện đều khẳng định sự cần thiết phải triển khai cải tạo hai nút giao thông này trong thời gian sớm nhất, vì đây là hai trục chính tập trung nhiều phương tiện lưu thông, đặc biệt là trong giờ cao điểm.

Ông Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết nguyên nhân TP Đà Nẵng bị ùn tắc trong thời gian qua là do phương tiện giao thông tăng quá nhanh, khách du lịch đông trong khi hạ tầng khu vực trung tâm không đáp ứng kịp. Cụ thể, số lượng phương tiện đăng ký với Phòng CSGT năm trước chỉ khoảng 62.000 ô tô thì đến nay đã là 68.000 ô tô và dự báo đến năm 2020 sẽ lên đến 100.000 ô tô.

Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng để giải quyết bài toán ách tắc trước mắt, Sở GTVT nên phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu phân luồng lại, bao gồm cả phân luồng từ xa.

“Các phương án hầm chui được đề xuất dù là một hay hai hầm cũng đều phải hết sức cân nhắc yếu tố tổ chức cảnh quan tại khu vực phía Tây cầu Rồng. Vì vậy, phía tư vấn nên mời thêm các kiến trúc sư có kinh nghiệm về kiến trúc cảnh quan để tham gia góp ý” - ông Tuấn cho hay.

Đối với nút giao thông Trần Thị Lý, Phó Chủ tịch Tuấn cho biết phương án khác mức là cần thiết, tuy nhiên nên phân kỳ đầu tư và cân nhắc thêm về thời điểm thực hiện.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng tổng mức đầu tư đề xuất cho cả hai nút giao thông này là khá lớn. Ngoài ra còn có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, đặc biệt là khu vực nút giao thông Tây cầu Rồng.

Vì vậy để giảm ùn tắc, trước mắt cần triển khai các giải pháp tổ chức phân luồng giao thông từ xa và tổ chức lại giao thông tại nút Trần Phú - Nguyễn Văn Linh. Đối với nút giao thông Tây cầu Trần Thị Lý, nghiên cứu khu vực phía Đông tượng đài để điều chỉnh lối ra vào cho các phương tiện khi tham gia giao thông tại khu vực nhà hàng tiệc cưới trên đường 2-9.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ gia hạn cho các đơn vị thêm ba tháng để tiếp tục nghiên cứu, lấy thêm ý kiến phản biện để hoàn thiện.

Vào cuối tháng 11, UBND TP sẽ nghe các đơn vị báo cáo lại để chốt phương án tổng thể của hai nút giao thông này, làm cơ sở báo cáo tại kfỳ họp HĐND để xin chủ trương bố trí nguồn vốn và kịp khởi công vào khoảng cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm