Đà Nẵng tính phương án di dời bến xe trung tâm

Ngày 25-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết chiều 24-11 đã làm việc với UBND TP Đà Nẵng về giải quyết khúc mắc liên quan bến xe do đơn vị này đầu tư.

Theo đó, năm 2008, TP chỉ có một bến xe trung tâm đặt tại phường Hòa An (quận Cẩm Lệ). Trước nhu cầu đi lại ngày càng tăng, bến xe trung tâm quá tải nên UBND TP Đà Nẵng kêu gọi đầu tư xã hội hóa bến xe phía Bắc và phía Nam.

Tại cuộc làm việc, ông Bùi Pháp (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai) cho biết hưởng ứng lời kêu gọi này, đơn vị đã đầu tư 150 tỉ đồng để xây dựng mới bến xe phía Nam tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) với tiêu chuẩn bến xe loại 1. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bến xe phía Nam rơi vào tình trạng đìu hiu, doanh nghiệp thua lỗ.

Bến xe phía Nam Đà Nẵng đìu hiu khách trong một thời gian dài. Cái chết lâm sàng thời gian qua của bến xe này được cho là vì chính sách thiếu nhất quán của TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Nguyên nhân được ông Pháp đưa ra là Đà Nẵng vẫn giữ nguyên bến xe trung tâm quận Cẩm Lệ mà không di dời, xây dựng bến xe phía Bắc tại quận Liên Chiểu theo đúng quy hoạch trước đó. Đồng thời, Đà Nẵng tiếp tục cho thuê đất 50 năm để bến xe trung tâm hoạt động.

Chính vì vậy, bến xe phía Nam không thể thu hút xe khách vào bến, bởi cách xa trung tâm đến hơn 13 km. Ngoài ra, TP không phân luồng xe mà để tất cả các xe chạy về bến trung tâm.

Ông Pháp cũng cho biết bến xe Quảng Nam đã đồng ý chuyển 2.000 lượt xe/tháng vào bến xe phía Nam Đà Nẵng. Nhưng do không có chuyến buýt vận chuyển khách vào trung tâm nên đành chịu để bến xe bỏ không. 

Đầu tư số vốn rất lớn nhưng bến xe phía Nam rơi cảnh ế vì TP Đà Nẵng không có sự quyết liệt phân luồng mà vẫn "bật đèn" để xe tập trung về bến xe trung tâm. Ảnh: TẤN VIỆT

“Chúng tôi thật sự rất mong TP, các sở ban ngành, đặc biệt là Sở GTVT cùng rà soát, chân tình với doanh nghiệp để tổ chức phân luồng lại tuyến theo quy định của Bộ GTVT thì mới tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chúng tôi đã đầu tư vào đó rất nhiều vốn liếng nhưng cách làm của TP trong giai đoạn đó khiến doanh nghiệp chúng tôi vô cùng khó khăn”, ông Pháp nói.

Về việc trên, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cũng cho hay theo quy hoạch TP Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì TP sẽ không có bến xe trung tâm. Thay vào đó là xây dựng hai bến xe phía Bắc, phía Nam.

Thời gian tới ga đường sắt Đà Nẵng được dời ra quận Liên Chiểu thì bến xe trung tâm cũng dời ra phía Bắc sát ga Đà Nẵng để tạo sự kết nối vận tải hành khách. Xây dựng các tuyến xe buýt trung chuyển từ hai đầu TP, kết nối với hai bến xe phía Bắc và phía Nam mới đảm bảo công tác chống ùn tắc giao thông taị khu vực trung tâm TP.

Theo quy hoạch, Đà Nẵng không có bến xe trung tâm mà bố trí hai bến xe ở phía Nam và phía Bắc. TP sẽ nghiên cứu để bố trí lại cho hợp lý trong thời gian tới. Ảnh: TẤN VIỆT

Trong khi đó, ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, cho rằng đơn vị đã thực hiện đúng luật doanh nghiệp. Cụ thể, Sở GTVT đã lấy ý kiến, vận động các đơn vị kinh doanh vận tải chia bớt ra bến phía Nam nhưng hầu hết không đồng thuận nên Sở không thể ép buộc.

Kết luận buổi làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong thời gian qua. Vì doanh nghiệp đã bỏ số tiền lớn đầu tư vào bến xe phía Nam.

Ông Thơ chỉ đạo Sở GTVT quy hoạch ngay tuyến xe buýt vào bến xe phía Nam chứ không để lập trạm ngoài đường, trong khi bến xe để không như hiện nay.

Ông Thơ cũng giao Sở GTVT nghiên cứu, lập quy hoạch tham mưu cho UBND TP điều chỉnh xây dựng bến xe hai đầu TP. Đồng thời nghiên cứu di dời bến xe trung tâm để tránh ùn tắc, giảm tải tai nạn giao thông.

Được biết, chủ tịch Đà Nẵng cũng chỉ đạo huyện Hòa Vang bàn giao nốt diện tích mặt bằng còn cho bến xe phía Nam trong tháng 11-2017. Ông Thơ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư hoàn thành công tác nộp thuế.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm