‘Đầu tư vào đường bộ cao tốc Bắc-Nam rất khả thi’

“Việt Nam có hơn 90 triệu người nhưng mới có 3,7 triệu ô tô. Với đời sống người dân ngày càng cao, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô ra đời, giá thành mỗi ô tô vài trăm triệu đồng, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ có 40 triệu ô tô trong tương lai… nên đầu tư vào đường bộ cao tốc Bắc-Nam có tiềm năng lớn, rất khả thi…”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 do Bộ GTVT tổ chức sáng 17-5.

170 nhà đầu tư quan tâm dự án

Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết hiện có khoảng 170 nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đến dự án. Trong đó có 70 nhà đầu tư nước ngoài và hiện 33/70 nhà đầu tư nước ngoài đã gửi hồ sơ đến Bộ GTVT để thể hiện sự quan tâm tới tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Đây là thành công bước đầu trong việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án, nhằm chọn nhà đầu tư không chỉ mạnh về năng lực tài chính mà còn nhiều kinh nghiệm...

Hiện Bộ GTVT sắp “cán mốc” 1.500 km đường bộ cao tốc, đến năm 2020 có khoảng 2.000 km đường cao tốc. Tuy nhiên, theo ông Thể, trong tương lai cả nước cần tới 8.000 km đường cao tốc, như vậy dư địa khoảng 6.000 km. Nên sự quan tâm của các nhà đầu tư hiện nay là tiền đề cho tương lai.

Đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, ông Thể khẳng định Quốc hội đã ra nghị quyết về chủ trương đầu tư. Trong đó, bố trí 50% vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng... “Hiện nay các khoản tiền sẵn sàng để giải ngân, mặt bằng cũng được chuẩn bị. Nên khi trúng thầu nhà đầu tư chỉ lo phần vốn của nhà đầu tư, vốn tín dụng để triển khai dự án…” - ông Thể khẳng định.

Về mức phí đường cao tốc, lộ trình tăng phí hằng năm đã xin chủ trương từ Quốc hội nên ông Thể cho rằng đây là điểm khác với các dự án BOT hiện nay. “Quốc hội là đại diện cho toàn dân, không phải của Bộ GTVT nên các nhà đầu tư yên tâm khi thực hiện. Dự án này sẽ được tăng phí đúng lộ trình, đúng các cam kết của hợp đồng theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội…” - ông Thể nhấn mạnh.

Sơ đồ các dự án đầu tư cao tốc đường bộ Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020. Đồ họa: HỒ TRANG

Là dự án đấu thầu quốc tế nên Bộ trưởng Thể khẳng định sẽ khuyến khích các nhà đầu tư áp dụng công nghệ, vật liệu mới để nâng cao chất lượng công trình. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải chứng minh giải pháp mới đáp ứng các yêu cầu. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ có đoàn kiểm tra, đánh giá vật liệu đó. Cuối cùng mới chấp thuận áp dụng, với điều kiện đảm bảo chất lượng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Thể cũng cho rằng không thể đầu tư nhiều tuyến cao tốc trên hành lang Bắc-Nam nên dự án này rất tiềm năng để các doanh nghiệp xem xét. “Với 70 nhà đầu tư nước ngoài có mặt hôm nay, chúng tôi tin rằng các bạn sẽ có những nghiên cứu phù hợp và khi trúng thầu phải thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu, mời thầu…” - ông Thể nhấn mạnh.

Chưa có cơ chế bảo lãnh nhưng…

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (PPP), cho biết hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc… quan tâm đến dự án và tất cả đều bình đẳng theo quy định của pháp luật. Vấn đề của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phải đưa ra được bộ hồ sơ thầu, hợp đồng… chặt chẽ, để các nhà đầu tư khi tham gia dự án phải đảm bảo cung cấp được dịch vụ tốt nhất cho dự án.

Liên quan đến khoản bảo lãnh doanh thu và chuyển đổi ngoại tệ, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP, khẳng định hiện nay các khoản bảo lãnh trên chưa có. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ vốn để giải phóng mặt bằng cho dự án. Bên cạnh đó, trong hợp đồng Bộ GTVT dự kiến cam kết nhà đầu tư sẽ triển khai thi công khi việc giải phóng mặt bằng đáp ứng được 70%-80%, tức bàn giao mặt bằng sạch.

Về rủi ro công tác thiết kế, ông Nguyễn Viết Huy cho biết nhà đầu tư có thể thay đổi biện pháp thi công theo hình thức lời ăn, lỗ chịu. Quy định này sẽ thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, dù không được bảo lãnh.

Đánh giá về hội nghị này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng trước đây dư luận thường bảo Chính phủ không công khai, minh bạch các dự án đối tác công-tư. Vì vậy qua đây, dư luận cũng hiểu thêm được khó khăn trong việc huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Việc đầu tư không đơn giản như chúng ta nghĩ là bỏ một ít vốn là các nhà đầu tư hăng hái tham gia. Nhưng đây là bước đi mới, tiếp thu những băn khoăn dư luận xã hội vừa qua. Với việc triển khai đồng bộ và bài bản này, chúng ta có thể nắm bắt được chủ trương nhằm đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước…” - ông Kiên khẳng định.

Năng lực tài chính chiếm 60%

Trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT xây dựng các mức điểm theo thang điểm 100. Rút kinh nghiệm từ các dự án PPP trước đây, Vụ PPP cho rằng năng lực về tài chính có vai trò quyết định đến sự thành công của dự án.

Cụ thể, năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60% tổng số điểm (tương ứng 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30% tổng số điểm (30 điểm); phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm 10% tổng số điểm (10 điểm).

“Hai tiêu chí được chấm điểm cao đó là năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư. Dự kiến nếu suôn sẻ thì năm 2020 chúng ta sẽ có hợp đồng TPP đầu tiên…” - lãnh đạo Vụ PPP khẳng định. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm