Đề nghị bãi bỏ 2 trạm thu phí BOT quốc lộ 5A

Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng vừa có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị bãi bỏ việc thu phí ở hai trạm thu phí trên quốc lộ (QL) 5A. “Trong trường hợp Bộ GTVT, Bộ Tài chính vẫn duy trì thu phí tại hai trạm trên QL5A, đề nghị bãi bỏ việc thu phí bảo trì đường bộ với phương tiện để tránh tình trạng phí chồng phí như hiện nay” - ông Tiến khẳng định.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 20-12, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, cho biết: “Kiến nghị với Thủ tướng giảm phí BOT QL5A chúng tôi đã làm tới ba lần rồi. Năm 2014, Hiệp hội Vận tải đã kiến nghị vì QL5A là đường của Nhà nước đầu tư, khi thực hiện thu phí bảo trì đường bộ thu trực tiếp vào đầu xe thì phải bỏ trạm thu phí trên toàn quốc. Trong khi đó, hai trạm thu phí trên QL5A vẫn duy trì. Năm 2015, chúng tôi lại có văn bản tiếp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét. Các doanh nghiệp (DN) vận tải thấy vô lý, tại sao đường Nhà nước đầu tư lại giao cho DN tư nhân quản lý và thu phí và lại tăng phí đến bốn lần là quá nhanh và cao rất nhiều lần trước đó”.

Ông Tiến cũng phân tích: Phần phí thu bao gồm phí cầu đường và phí bảo trì đường bộ. Phí cầu đường, Vidifi thu là đúng vì họ đầu tư bao nhiêu sẽ thu bấy nhiêu. Trong khi đó, phần thu phí bảo trì đường bộ các DN vận tải đã đóng trên đầu xe trực tiếp khi đăng kiểm rồi. Việc thu quá cao là không hợp lý.

Về vấn đề này, phía Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - nhà đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, còn gọi cao tốc 5B), đơn vị được giao thu phí tại hai trạm QL5A, cho rằng từ những năm 2004, QL5A mặc dù mới được nâng cấp vào năm 1998 đã quá tải, thường xuyên ùn tắc, thời gian di chuyển mất 3-4 giờ cho 100 km từ Hà Nội-Hải Phòng, không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng. Do đó Nhà nước gấp rút đầu tư sửa chữa, nâng cấp QL5A. Việc thu phí ở QL5A là để tạo nguồn thu bù cho vốn đầu tư đường cao tốc 5B (do Vidifi đầu tư). Nếu DN không được tăng phí QL5A thì phương án tài chính cho cao tốc 5B có thể bị phá sản.

Tuy nhiên, điều này gây bức xúc cho các đơn vị vận tải Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh. Các đơn vị cho rằng họ không sử dụng đường QL5B mà phải gánh chi phí đầu tư cho QL5B là vô lý. Để phản đối việc thu phí hai trạm thu phí QL5A, các tài xế đi qua đã dùng tiền lẻ để trả khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi các nơi bị ùn tắc.

QL5A là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội-Hải Phòng, chiều dài khoảng 100 km, tuyến đường này có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Trước đây giá phí qua trạm BOT này là 10.000 đồng/lượt/trạm/xe bốn chỗ, sau tăng lên 30.000 đồng rồi 45.000 đồng và hạ xuống còn 40.000 đồng vào năm 2016. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm