Đề xuất mới của Bộ Công an về trừ điểm giấy phép lái xe

Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Nhiều điểm mới được bộ này bổ sung sau khi các bộ, ngành có ý kiến đóng góp, trong đó có một nội dung rất đáng chú ý là điểm của giấy phép lái xe (GPLX).

Phục hồi điểm nếu một năm không có vi phạm

Theo dự thảo mới nhất, Bộ Công an đề xuất mỗi GPLX có 12 điểm. Điểm số sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về TTATGTĐB. Dữ liệu về điểm trừ của tài xế sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.

Đặc biệt, trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu tài xế không vi phạm thì GPLX sẽ được phục hồi điểm. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, tài xế muốn được cấp GPLX mới thì phải thi sát hạch lại. “Chính phủ quy định về trừ, phục hồi điểm của GPLX” - dự thảo Bộ Công an nêu.

Trong tờ trình, Bộ Công an giải thích việc cấp điểm GPLX có ý nghĩa sẽ là biện pháp theo dõi quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp GPLX. Bộ này từng cho rằng thực tế hiện nay sau khi được cấp GPLX, người lái xe gần như không bị ai quản lý, không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát…

Như vậy, theo dự thảo, “vòng tròn khép kín” từ sát hạch GPLX, theo dõi việc chấp hành pháp luật sau khi được cấp GPLX (trừ điểm) và thi sát hạch lại (nếu bị trừ hết điểm) đều sẽ do Bộ Công an quản lý.

Cũng trong dự thảo, Bộ Công an còn quy định 17 nhóm hành vi vi phạm (thay vì 28 nhóm như dự thảo trước) mà tài xế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm GPLX. Một số lỗi có thể kể đến như chạy quá tốc độ 10-20 km/giờ, chở quá số người vượt trên 50%-100% số người được phép chở, không nhường đường cho xe ưu tiên, vi phạm các quy định về an toàn giao thông trên cao tốc…

Theo dự thảo, điểm số sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: TUYẾN PHAN

Đa số ý kiến ủng hộ

Sau khi Bộ Công an trình dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB, Văn phòng Chính phủ đã phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về dự luật này.

Riêng về nội dung chấm điểm GPLX, tính tới ngày 11-8, 23/26 thành viên Chính phủ đã cho ý kiến. Trong đó, 16 thành viên đồng ý với quy định mỗi GPLX được cấp 12 điểm/năm, bị trừ hết thì tài xế phải thi lại. Trong trường hợp GPLX không bị trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong một năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm.

Ngược lại, sáu thành viên tán thành phương án trừ điểm GPLX là một hình thức xử phạt bổ sung được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thay vì Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Theo đó, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (đang trình Quốc hội cho ý kiến) cần bổ sung quy định về vấn đề này.

Một thành viên Chính phủ còn lại trong số 23 người không thể hiện ý kiến chọn phương án nào.

Văn phòng Chính phủ cho rằng thực chất hai phương án này không khác nhau về nội dung, bản chất (đều đồng ý bổ sung một biện pháp chế tài mới trong quản lý đối với GPLX), chỉ khác nhau ở kỹ thuật lập pháp.

Về nội dung, Văn phòng Chính phủ ủng hộ quy định cấp, trừ điểm GPLX như kinh nghiệm nhiều nước đã làm. Về kỹ thuật, cơ quan này đề nghị thực hiện theo hướng Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ quy định việc trừ điểm GPLX là một hình thức xử phạt bổ sung. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện việc tính điểm và trừ điểm GPLX. Tuy nhiên, thủ tục phải đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.

“Để có đầy đủ cơ sở thuyết phục cho quy định, đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp về vấn đề này trong báo cáo thẩm định…” - Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến.

Lo ngại tiêu cực, nhũng nhiễu

Ở góc độ cơ quan thẩm tra dự luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng ý với việc quy định điểm của GPLX. Tuy nhiên, ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ tiêu chí, căn cứ để xác định điểm GPLX, căn cứ quy đổi lỗi vi phạm để trừ điểm, đồng thời không quy định việc cộng điểm GPLX.

Ngoài ra, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định trừ điểm GPLX là một trong những hình thức xử phạt bổ sung. “Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định theo hướng việc trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ…” - ông Long nêu ý kiến.

Đáng chú ý, là một trong những cơ quan góp ý, Ủy ban Dân tộc đề nghị Bộ Công an cân nhắc, bỏ nội dung quy định điểm GPLX vì hoàn toàn không phù hợp với tình hình giao thông và cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Ủy ban này cho rằng một số cán bộ sẽ lợi dụng quy định này để nhũng nhiễu người dân.

Tuy nhiên, Bộ Công an khẳng định sẽ xây dựng quy định việc tính điểm bảo đảm chặt chẽ, dữ liệu về điểm, lịch sử cộng, trừ điểm, thời gian và người thực hiện sẽ công khai và dễ dàng tra cứu từ bất kỳ đâu vào bất kỳ thời gian nào để ngăn chặn sai phạm, phòng ngừa tiêu cực. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm