Dịch COVID-19: Ý kiến của bộ GTVT về giảm phí BOT

“Vận tải hàng hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại, mỗi xe container vận chuyển phải tốn rất nhiều phí BOT, ít nhất là vài triệu đồng. Trong khi thời điểm này hàng hóa lại ít vì nhiều nơi ngưng hoạt động nhưng chúng tôi vẫn phải vận chuyển để giữ mối làm ăn. Nếu được giảm phí BOT thì đỡ rất nhiều cho người dân và các doanh nghiệp (DN) vận tải”. Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Văn Phong, tài xế xe container.

Giảm để hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp

Ông Phong nói thêm: “Tôi biết DN BOT cũng phải thu phí để hoàn vốn nhưng thời điểm này họ có thể miễn, giảm phí BOT và tính toán tăng thời gian thu phí để hoàn vốn”.

Tương tự, anh Nguyễn Ngọc Tuân, cũng là tài xế xe container, bày tỏ trong thời gian có dịch COVID-19 thì DN nào cũng bị ảnh hưởng. Do đó, nếu Nhà nước, các đơn vị thu phí cũng hỗ trợ, giảm hoặc miễn phí BOT cho người dân cũng là việc nên làm.

Anh Tuân mong muốn dn có thể tính toán giảm 50% phí BOT trong giai đoạn hiện nay cho tới khi hết hẳn dịch, tránh tình trạng giảm ít, số lẻ gây khó cho người đóng phí và thu phí. Đồng thời, việc giảm phí BOT này cũng là sự hỗ trợ qua lại lẫn nhau giữa các DN.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thắm (người dân Bình Dương) cũng bày tỏ nếu Chính phủ, Bộ GTVT, các đơn vị thu phí cũng miễn, giảm phí BOT cho người dân, DN trong thời gian có dịch COVID-19 thì rất thiết thực.

“Nhà nước có thể tính toán theo từng cung đường, khu vực để đưa ra mức hỗ trợ. Ví dụ, những chặng gần thì nên miễn phí BOT qua trạm, đối với những chặng đường xa thì nên giảm ít nhất 50% phí” - chị Thắm kiến nghị.

Nhận định về vấn đề này, PGS-TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng trong thời điểm dịch COVID-19, Nhà nước cần xem xét giảm phí BOT cho người dân, DN để hỗ trợ khó khăn.

Nhiều người dân và doanh nghiệp vận tải bày tỏ mong muốn được giảm phí BOT trong thời điểm dịch COVID-19. Ảnh: VIẾT LONG

Theo TS Xuân Mai, Nhà nước cũng cần xem xét số lượng tiền giảm, đừng giảm 3%-5%, sẽ rất khó tính toán, thậm chí khó cho cả người trả phí và thu phí BOT. Ví dụ, giảm 3%-5% phí đối với ô tô đi qua trạm, bình thường từ 20.000 đồng, nay giảm thành 17.500 đồng. Như vậy, tài xế và cả bên thu phí BOT đều bị gặp khó trong thanh toán.

Vì vậy, DN BOT cần đưa ra một con số cụ thể, giảm trực tiếp trên số tiền để mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tình trạng thu phí làm ùn tắc, cản trở giao thông.

về vấn đề minh bạch tài chính, TS Xuân Mai cho rằng Nhà nước sẽ kiểm soát tốt vấn đề thu đúng, thu đủ. Do đó, khó có chuyện thu phí không minh bạch nếu giảm thu phí BOT.

Kiến nghị giảm 3%-5% phí BOT

Trước đó, hồi đầu tháng 2, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đã có kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng về một số nội dung hỗ trợ DN ngành vận tải. Mục đích giúp các DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong đó, hiệp hội kiến nghị giảm phí BOT 3%-5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải. 

Bộ GTVT: sẽ tiếp tục nghiên cứu

Đại diện Bộ GTVT cho rằng vấn đề giảm phí BOT cho người dân và DN, bộ cũng đã có văn bản gửi các hiệp hội vận tải. Theo đó, mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ (phí BOT) được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án. Phương án tài chính này đủ để các nhà đầu tư - DN BOT hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư các dự án BOT đường bộ.

theo bộ gtvt, thời gian qua, các DN BOT gặp rất nhiều khó khăn khi phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí như dự kiến trong hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/2016.

Các ngân hàng cũng đang yêu cầu DN BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ. Dịch COVID-19 khiến lưu lượng xe qua các trạm tiếp tục giảm, các DN BOT càng khó khăn hơn.

“Bộ GTVT đề nghị các DN vận tải chia sẻ khó khăn với các DN BOT. Với đề xuất của các hiệp hội, để giảm chi phí vận tải, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giảm các loại phí do Nhà nước quản lý…” - đại diện Bộ GTVT cho hay.

Cũng theo Bộ GTVT, hiện đơn vị đã có văn bản yêu cầu các sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh báo cáo Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe trong giai đoạn xảy ra dịch và sau dịch. Từ đó hỗ trợ cơ chế, chính sách cho các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe về giảm thuế, phí, lệ phí ra vào bến xe…

Mong muốn hỗ trợ nhiều khoản, mục

Trong tình hình chung như hiện nay, người dân và hiệp hội rất mong muốn Chính phủ miễn, giảm nhiều khoản, mục. Cụ thể, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM mong muốn Chính phủ hỗ trợ các loại thuế, các loại phí, bao gồm phí bảo trì đường bộ và phí BOT.

Tuy nhiên, nếu miễn giảm BOT thì các DN đầu tư có thể giãn thời gian thu phí để có thể thu hồi vốn và có lãi. Nếu Chính phủ đồng ý giảm thì Bộ GTVT sẽ làm việc với các đơn vị đầu tư để quyết định số tiền giảm và thời gian thu phí.

Trong quý I-2020 này, lượng xe vận chuyển hàng hóa và đi lại đều ít cho nên Nhà nước có thể giảm phí BOT và phí bảo trì đường bộ để chia sẻ khó khăn với người dân và DN. Hiện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã có kiến nghị về giảm phí BOT để hỗ trợ DN.

Ông NGUYỄN VĂN CHÁNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm