Dự kiến năm 2020, xe máy phải dán nhãn năng lượng

Theo đó, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe, kiểm tra, thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và kiểm tra, giám sát dán nhãn năng lượng xe.

Việc dán nhãn năng lượng giúp người dân có được thêm thông tin để lựa chọn xe.

Theo Bộ GTVT, quy định trên hiện được nhiều quốc gia đã, đang thực hiện. Tại Việt Nam, với những lợi ích thiết thực mà Chương trình dán nhãn năng lượng đối với ô tô mang lại, Việt Nam tiếp tục mở rộng đối tượng phải dán nhãn. Theo đó, tại Quyết định số 04/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Với Quyết định nêu trên, trong dự thảo, Bộ GTVT đưa ra lộ trình dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Cụ thể, thực hiện áp dụng tự nguyện đến hết ngày 31-12-2019. Bắt buộc áp dụng kể từ ngày 1-1-2020.

“Tức là quy định đối với các xe mô tô, xe gắn máy mới (hiểu đơn giản là xe chưa có biển số) chứ không phải hơn 40 triệu xe đang lưu hành (đã được cấp biển số)…”, Bộ GTVT giải thích.

Sau khi có nhãn năng lượng, người tiêu dùng được hưởng lợi do họ có thêm thông tin để lựa chọn dòng xe tiết kiệm nhiên liệu trước khi quyết định mua xe mới mà không phải trả bất kỳ chi phí nào. Bộ GTVT cũng cho biết, nhãn năng lượng không phải là giấy tờ phục vụ công tác đăng ký xe cũng như các thủ tục khác.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm