Giao thông bất cập ‘làm hại’ logistics

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics ngày 16-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí rất cao. “Xe vận tải hàng hóa mà 40%-50% xe quay về không có hàng thì làm sao chi phí không cao được… Chúng ta phải nhận thức rõ chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý cho các phương thức vận tải, đồng thời kết nối hạ tầng giao thông kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Giao thông thiếu đồng bộ

Theo báo cáo của Bộ GTVT tại hội nghị, một số tồn tại làm tăng chi phí vận tải là hạ tầng giao thông, thị phần vận tải, phương tiện vận tải, khả năng xếp dỡ, năng lực doanh nghiệp (DN), thủ tục hành chính, phí, lệ phí… Trong đó, hạ tầng giao thông còn vấn đề nổi cộm là thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển.

Cảng Cái Cui trên sông Hậu, TP Cần Thơ đủ năng lực đón tàu 20.000 tấn nhưng hiện nay luồng Quan Chánh Bố có một số điểm cạn chưa được tháo gỡ. Ảnh: T.Dung

Năm 2016, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ phần trăm khối lượng hàng hóa vận chuyển theo đường bộ có giá thành cao nhưng chiếm tới 77,2%. Trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm hơn 22%. Cá biệt, đường sắt chỉ chiếm 0,42%, hàng không là 0,02%.

Nguyên nhân gây ra sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải như trên là do mức đầu tư cho các loại hình vận tải còn thấp so với đường bộ. Cụ thể, mức đầu tư của đường bộ chiếm gần 90%, còn lại là các loại hình vận tải khác, theo thứ tự thấp dần là đường sắt, thủy nội địa, hàng hải, hàng không.

34 triệu đồng là con số được ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ vận tải logistics Việt Nam, nêu ví dụ về tổng chi phí vận chuyển của hai loại hình vận tải. Cụ thể, tuyến vận chuyển Hải Phòng-TP.HCM với đoạn đường khoảng 1.900 km, tổng chi phí vận chuyển và xếp dỡ cho một container 20 feet nếu đi đường bộ tốn 34 triệu đồng và 60 giờ. Riêng đường sắt hết 12,4 triệu đồng và 120 giờ, đường biển hết 5,2 triệu đồng và 120 giờ. 

Phải cắt 50% điều kiện kinh doanh vận tải

Để giảm chi phí logistics, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ vận tải logistics Việt Nam, nêu ra các giải pháp như kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau, phát triển logistics khu vực Tây Nam bộ gắn chặt với vận tải thủy nội địa, kết nối các cảng Cần Thơ và Cát Lái, Cái Mép-Thị Vải… Đồng thời, ứng dụng công nghệ đột phá để tối ưu hóa quá trình vận chuyển, giảm chi phí.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nêu giải pháp cần kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách. Trong đó, cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT, đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành…

Phát biểu đồng tình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phân tích thêm: Trước tiên là phải rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động logistics để sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ, tháo dỡ rào cản, giảm chi phí liên quan đến hoạt động logistics. “Sửa đổi pháp luật thì phải gắn với cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực thi công vụ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng cần rà soát quy hoạch hạ tầng giao thông để nâng tính kết nối giữa các loại hình đường bộ, đường thủy, hàng không; kết nối các vùng miền. Xây dựng các kế hoạch đầu tư dài hạn, lựa chọn dự án ưu tiên để tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông như kế hoạch phát triển đường sắt, phát triển đường thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cảng biển Cái Mép-Thị Vải, Lạch Huyện…

Phí nhiên liệu, phí BOT và… phí “trà nước”

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ vận tải logistics Việt Nam, cho biết năm 2014, Ngân hàng Thế giới công bố chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9%, tương đương với 1,9 triệu tỉ đồng. Theo tính toán của ông Hiệp, chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 có thể ở mức khoảng 16,8%.

Các yếu tố làm tăng chi phí logistics, theo ông Hiệp là vận tải đường bộ, phụ phí tại cảng biển, hạn chế về kết cấu hạ tầng, phí sử dụng kết cấu hạ tầng, phí kiểm tra chuyên ngành. Đáng chú ý, ông Hiệp đưa ra con số như chi phí nhiên liệu chiếm xấp xỉ 30%-35%, phí BOT 15%-30%, phí “trà nước” xấp xỉ 5%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm