Hà Nội muốn thu phí xe vào khu ùn tắc

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để làm cơ sở thực hiện đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030. Đề án này vừa được HĐND TP thông qua và được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Đề xuất sửa luật để thu phí

Tại danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí năm 2015 không có tên khoản “Phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”. Do đó, UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào danh mục kèm theo của Luật Phí và lệ phí năm 2015 để UBND TP Hà Nội làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện đề án.

Cụ thể, đối tượng thu phí sẽ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đi vào vùng hạn chế phương tiện giao thông. Còn phạm vi thu phí thì theo khu vực, tuyến đường các quận nội thành cần hạn chế hoạt động phương tiện cơ giới. Về mức thu phí thì theo nguyên tắc cơ bản bù đắp một phần chi phí phục vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực hạn chế phương tiện giao thông…

Dẫn chứng các TP như London (Anh), Singapore... cũng đang thực hiện quy định trên, TP Hà Nội khẳng định biện pháp nộp phí nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết.

“Với biện pháp này, TP Hà Nội hy vọng sẽ tăng cường quản lý hoạt động các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo khu vực, tăng cường điều hành giao thông, nâng khả năng thông hành tại các khu vực thường xảy ra ùn tắc…” - UBND TP Hà Nội nhận định.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng khẳng định việc thu phí phải phù hợp với hạ tầng giao thông, mạng lưới vận tải hành khách công cộng, tổ chức giao thông hợp lý tại các khu vực có thu phí. Ngoài ra, có phương thức thu phí phải hiện đại, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện.

Nhiều khu vực Hà Nội ùn tắc, tuy nhiên vận tải công cộng phát triển chậm, hiện mới đáp ứng dưới 10% nhu cầu. Ảnh: VIẾT LONG

Còn ý kiến trái chiều

PGS-TS Nguyễn Hồng Thái, Phó Trưởng khoa Vận tải-Kinh tế, Trường ĐH GTVT, cho rằng đến năm 2020, dự báo nhu cầu giao thông tại Hà Nội sẽ trên 18 triệu lượt đi lại/ngày. Bên cạnh đó, sự phân bố không đều của nhu cầu giao thông theo các giờ trong ngày và tập trung nhiều vào giờ cao điểm đã dẫn đến sự quá tải của cơ sở hạ tầng GTVT. Thực trạng cho thấy tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng trong các giờ cao điểm. Chính vì lý do đó chính quyền Hà Nội đưa ra biện pháp trên nhằm giảm thiểu lượng xe chạy vào nội đô để hạn chế ùn tắc là phù hợp.

Các biện pháp hành chính kiểu ngăn sông cấm chợ không thể hiệu quả khi vận tải hành khách công cộng còn yếu kém. Bên cạnh đó, cần lưu ý hiện tượng phí chồng phí mà người dân đang gánh chịu. Người đi ô tô vừa phải đóng phí BOT, quỹ bảo trì đường bộ…; người đi xe máy cũng chịu đủ loại phí. Nếu tiếp tục “cưỡng bức” để thu phí thì vừa gây gánh nặng và bức xúc cho dân. Nên tôi cho rằng TP Hà Nội cần phải xem lại…

TS NGUYỄN XUÂN THỦY,  chuyên gia giao thông đô thị

Ông Thái cũng cho rằng đây là biện pháp không mới, một số nước đã triển khai. “Tuy nhiên, để hạn chế người dân sử dụng xe cá nhân cần sử dụng tổng thể các biện pháp gồm hành chính, kinh tế, giáo dục và tâm lý…” - ông Thái nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, lại không đồng tình việc TP Hà Nội đưa biện pháp hành chính, kinh tế áp đặt lên người dân. Thay vì những đề xuất mang tính “cưỡng bức” người dân, vị chuyên gia cho rằng TP Hà Nội nên chú tâm xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng; đặc biệt đẩy nhanh tiến độ các tuyến metro và một số con đường đang sửa chữa ỳ ạch giữa thủ đô bao nhiêu năm chưa xong.

TS Thủy cho rằng khi nào vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 40%-60% nhu cầu đi lại của người dân thì mới tính đến các biện pháp trên. “Phương tiện công cộng ví như đất lành chim đậu. Nếu người dân thấy di chuyển thuận tiện, nhanh, chi phí thấp…, họ sẽ từ bỏ sử dụng xe cá nhân” - TS Thủy lý giải.

Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường

Cũng trong văn bản trên, UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và quy định về “mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện”.

Lý do đề xuất được UBND TP Hà Nội đưa ra là TP lo lắng bởi sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân đang ở mức báo động. Dự báo đến năm 2030, số ô tô lưu hành ở Hà Nội là gần 2 triệu ô tô và hơn 7,5 triệu xe máy. “Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng” - UBND TP Hà Nội nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm