Hải Phòng: Dừng hoạt động bến xe để làm cầu hơn 2.200 tỉ

Ngày 21-9, Sở GTVT Hải Phòng cho biết đã có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, TP, Công ty cổ phần bến xe Hải Phòng và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách về việc điều chuyển các xe khách hoạt động tại Bến xe Cầu Rào qua các bến xe khác.

Di chuyển tới bảy bến xe khác

Theo đó, từ ngày 30-10, Bến xe Cầu Rào sẽ ngừng hoạt động, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào 1.

Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, đảm bảo hoạt động vận tải diễn ra liên tục, Sở GTVT TP Hải Phòng đề nghị các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định tại đây khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án khai thác tuyến phù hợp để điều chuyển hoạt động vận tải về bến xe khách khác.

Theo Sở GTVT Hải Phòng, các tuyến vận tải hành khách tại Bến xe Cầu Rào sẽ được điều chuyển về bảy bến xe khác. Trong đó, các bến xe đủ điều kiện tiếp nhận gồm bến xe Thượng Lý, bến xe phía bắc Hải Phòng, bến xe các quận huyện Đồ Sơn, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Ngoài ra, bến xe Vĩnh Niệm đang được triển khai xây dựng cũng sẽ đủ điều kiện tiếp nhận các tuyến vận tải hành khách trong tháng 10-2020.

Bến xe Cầu Rào sẽ dừng hoạt động trong tháng 10-2020 để xây dựng cầu Rào mới

Các đơn vị vận tải hành khách có nhu cầu điều chuyển hoạt động từ bến xe Cầu Rào sang bến xe khác cần gửi hồ sơ đăng ký khai thác tuyến theo mẫu về cơ quan quản lý tuyến trước ngày 23-9.

Sở GTVT Hải Phòng cho biết việc điều chuyển sẽ theo nguyên tắc không làm tăng tần suất chạy xe, ảnh hưởng đến giờ xe đang khai thác của các DN đang hoạt động tại bến xe tiếp nhận; giữ nguyên tần suất, giờ xuất bến của các hãng xe được chuyển đến bến khác. 

Dự án cầu hơn 2.200 tỉ đồng

Việc di dời các tuyến xe tại Bến xe Cầu Rào nhằm thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1 bao gồm cầu và nút giao tại khu vực này với tổng mức đầu tư hơn 2.265 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Dự án này đã được HĐND TP Hải Phòng thông qua từ cuối năm 2019, trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.100 tỉ đồng, phần còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí hợp lý khác.

Theo chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, dự án bao gồm hai phần chính là xây dựng cầu Rào mới và hệ thống nút giao khác mức phía đường Lạch Tray. Dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn bốn quận gồm Ngô Quyền, Hải An, Dương Kinh và Lê Chân.

Trong đó, cầu Rào mới sẽ được xây dựng với kết cấu thép, bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu chính dài hơn 450 m, rộng hơn 30 m, gồm ba vòm thép và sáu nhịp dẫn. Cầu có quy mô bốn làn xe, dải phân cách, dải an toàn và vỉa hè hai bên. Tim cầu Rào mới sẽ rơi vào đúng vị trí của Bến xe cầu Rào hiện tại.

Phối cảnh cầu Rào và nút giao mới với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng

Tại đầu cầu phía đường Lạch Tray được xây dựng nhịp dẫn trên cao tạo thành nút giao khác mức. Tại đầu cầu này còn có hai nhánh rẽ lên xuống mặt cắt ngang 9 m, tạo thành hai vòng tròn kết nối với nút giao tầng 1 để đi các hướng đường Ngô Gia Tự, Thiên Lôi.

Tuyến đường Lạch Tray sẽ được xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chiều rộng vỉa hè mỗi bên 5 m. Hệ thống cầu Rào mới và nút giao sẽ được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật, hai bên đầu cầu được xây dựng công viên cảnh quan.

Dự án đầu tư nút giao cửa ô này được đánh giá sẽ nâng cao năng lực đảm bảo giao thông, cải thiện mạng lưới giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Lạch Tray, cầu Hoàng Văn Thụ, đồng thời làm thay đổi diện mạo cảnh quan khu vực.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết công trình giao thông cấp đặc biệt này sẽ được khởi động vào dịp khai mạc Đại hội Đảng bộ lần thứ 16 của TP Hải Phòng. Dự kiến thời gian triển khai dự án khoảng 3 năm, hoàn thành vào năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm