Hầm Thủ Thiêm kẹt cứng

Ba tháng gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông liên tục diễn ra tại khu vực hầm vượt sông Sài Gòn (thường gọi là hầm Thủ Thiêm, nối quận 1, TP.HCM với Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Trong các giờ cao điểm sáng-chiều, hàng ngàn người đi đường luôn cảm thấy “nghẹt thở” mỗi khi qua hầm.

Kẹt xe như cơm bữa

Theo ghi nhận, vào giờ cao điểm sáng, dòng xe lưu thông trên đại lộ, Mai Chí Thọ hướng từ quận 2 đi quận 1 thường bị kẹt từ cách hầm khoảng 1 km. Bên trong hầm, hàng ngàn phương tiện nhích từng chút một. Hầm chỉ dài khoảng 1,5 km nhưng lúc này người đi xe máy phải mất tới 30 phút mới qua được hầm. Nhiều người bất chấp nguy hiểm chạy cả vào làn đường dành cho ô tô để tránh trễ giờ đi làm, giờ học. Phải sau 8 giờ khu vực trước cửa hầm và bên trong mới thông thoáng trở lại.

Vào giờ cao điểm chiều, hàng ngàn xe lại bị kẹt theo hướng ngược lại, từ quận 1 đi quận 2. Lực lượng chức năng nhiều lúc phải cho xe máy chạy vào làn ô tô để giảm kẹt xe. Do tình hình khá căng thẳng nên trong các giờ cao điểm, lực lượng CSGT, nhân viên Trung tâm Quản lý thường xuyên túc trực tại hai đầu hầm để sẵn sàng điều tiết, ứng cứu khi có sự cố.

Anh Trần Trọng Thành, ngụ quận 9, cho biết: “Không hiểu vì sao hầm Thủ Thiêm ngày nào cũng bị kẹt. Nếu như trước kia, từ nhà tôi chỉ mất chưa đầy 45 phút là tới cơ quan thì nay ngày nào cũng mất hơn một tiếng, riêng kẹt trong hầm đã 30 phút”.

“Ngoài lưu lượng xe lớn, một nguyên nhân gây kẹt xe là do văn hóa tham gia giao thông của nhiều người rất kém. Tôi chứng kiến không ít người dừng lại ở đầu hầm để nghe điện thoại, mặc áo mưa, bất chấp dòng xe ken đặc phía sau. Bây giờ mà chạy qua cầu Thủ Thiêm sang quận 1 khéo còn kẹt hơn nên tôi chấp nhận đi đường này, không có sự lựa chọn nào khác” - chị Lý Thu Hoài, ngụ quận 2 than thở.

Bên trong hầm lượng xe máy ken đặc, còn làn ô tô lại thông thoáng. Ảnh: NGUYỄN THẮNG

Hầm Thủ Thiêm kẹt cứng ảnh 2

Lúc 17 giờ 30 ngày 11-12, hàng ngàn xe máy trên đại lộ Võ Văn Kiệt hướng từ đi quận 1 qua quận 2 bị kẹt cứng ở đầu hầm Thủ Thiêm.

Sẽ tăng bề rộng làn xe máy

Ngày 11-12, ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, cho biết nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên là do lưu lượng xe lưu thông qua hầm tăng đột biến những tháng gần đây và chủ yếu tăng trong giờ cao điểm. Một số nguyên nhân khác là do va chạm xe máy, xe máy hư hỏng nên phải dẫn bộ trong hầm…

43.800 lượt ô tô lưu thông qua hầm sông Sài Gòn mỗi ngày trong tháng 11-2017, tăng gần 9.000 lượt/ngày so với cùng kỳ năm 2016. Lượng xe máy qua hầm trong tháng 11-2017 đạt 230.000 lượt/ngày, tăng 30.000 lượt/ngày so với cùng kỳ năm trước. 

Để khắc phục, trung tâm đã tăng nhân viên thường xuyên túc trực hai đầu hầm. Khi có xe chết máy, phải dẫn bộ thì lực lượng cứu hộ lập tức tiếp cận, hỗ trợ đưa xe ra khỏi đường hầm. Nếu xe không di chuyển được, trung tâm sẽ điều xe cứu hộ tới ngay lập tức. Trung tâm cũng phối hợp với lực lượng CSGT điều tiết giao thông tại nút giao C6 trên đường Mai Chí Thọ, tại trạm thu phí đầu hầm quận 2 và tại nút giao Ký Con, đầu hầm quận 1; điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông hợp lý tại các nút giao thông trên tuyến (nút Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt - Ký Con) để khống chế lượng xe máy lưu thông vào hầm phù hợp.

Thời gian tới, nếu tình trạng kẹt xe không giảm, trung tâm có thể phải cùng lực lượng CSGT Bến Thành tổ chức cho ô tô tạm dừng ở bên ngoài đầu hầm một thời gian, dành làn đường ô tô cho xe máy lưu thông.

“Trong khi chờ xây cầu Thủ Thiêm 2, trung tâm đang nghiên cứu điều chỉnh, bố trí lại làn xe lưu thông qua hầm cho phù hợp theo hướng tăng bề rộng làn đường xe máy, giảm bề rộng làn đường ô tô. Chúng tôi sẽ báo cáo Sở GTVT về phương án này để có thể thực hiện ngay trong tháng 12-2017” - ông Triết nói.

Trước đây, tại khu vực hầm Thủ Thiêm không xảy ra tình trạng ùn ứ. Chỉ ba tháng trở lại đây, do lượng phương tiện tăng lên nên thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm nhưng chưa có trường hợp nghiêm trọng. Nhận thấy vấn đề này, mỗi ngày Đội CSGT Bến Thành và Đội CSGT Cát Lái đều phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn tổ chức điều tiết, hướng dẫn phương tiện ở hai đầu hầm.

Đối với các trường hợp tai nạn giao thông, va chạm, hư hỏng xe dẫn đến nguy cơ ùn ứ, PC67 đều có phương án phối hợp cùng các đơn vị chức năng khác để cứu nguy phương tiện bị hư hỏng, tai nạn.

Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), 
Công an TP.HCM

LÊ THOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm