In mã QR trên bằng lái: Hạn chế gian lận

Sau hai tháng thực hiện quy định cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) in mã hai chiều QR đã tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong quá trình quản lý. Theo đó, lực lượng chức năng chỉ cần quét mã QR là có thể kiểm tra, rà soát các thông tin liên quan đến bằng lái.

Mã QR thuận lợi nhiều mặt

Tài xế Lê Hồng Sơn (quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây sử dụng GPLX bằng giấy có kích thước lớn nên tôi phải mua một chiếc túi đựng giấy tờ riêng, rất bất tiện. Từ lúc xin cấp GPLX mới bằng vật liệu PET có in mã QR, tôi thấy có nhiều điểm thuận lợi. Đặc biệt, thẻ này không sợ bị ngấm nước hay gãy góc”.

Một vị CSGT trên địa bàn TP.HCM cho biết: Việc sử dụng bằng lái có mã QR đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý và lực lượng tuần tra, kiểm soát trong việc phát hiện các GPLX có hợp lệ hay không.

“Khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã vạch QR là có thể kiểm tra được các thông tin về GPLX” - vị CSGT nói.

Theo tìm hiểu của PV, bằng lái xe mới có kích thước nhỏ gọn, làm bằng vật liệu PET, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Chất liệu PET bảo đảm độ bền cơ học, chịu ẩm, chịu nhiệt, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường. Đồng thời, GPLX có in trực tiếp ảnh của chủ nhân và sử dụng công nghệ IPI mã hóa thông tin. Ngoài ra, trên bằng lái có hoa văn bảo mật và tem chống giả.

Các thông tin về bằng lái sẽ được hiển thị dưới kính giải mã đơn giản và tiện dụng đối với lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý dễ dàng rà soát để loại trừ các trường hợp gian lận như: Bị lực lượng chức năng thu hồi GPLX nhưng lại giả báo mất để xin cấp lại bằng mới; hạn chế việc sử dụng GPLX giả hoặc cùng lúc sử dụng nhiều GPLX; giảm bớt thủ tục, thời gian xác minh GPLX.

Lực lượng chức năng dễ dàng kiểm tra thông tin bằng lái có mã QR là thật hay giả. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bằng cũ vẫn được đổi theo quy định

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM, thông tin: Mã QR in ở góc trái, mặt sau của GPLX. Mã QR được tích hợp có tác dụng đọc, giải mã nhanh thông tin được in trên GPLX và liên kết với hệ thống thông tin quản lý. Đó là lý do mã QR có thể hỗ trợ công tác quản lý của lực lượng chức năng nói chung.

Ông Quang cho biết thêm: Việc áp dụng mã QR in trên GPLX không làm thay đổi quá trình đào tạo, sát hạch theo quy định hiện nay.

Từ ngày 1-6 đến nay, Sở GTVT TP.HCM đã cấp đổi, cấp mới 116.133 GPLX. Các loại GPLX được cấp sau ngày 1-6 không có in mã QR sẽ không hợp lệ. Tuy nhiên, các GPLX được cấp trước ngày 1-6 không có in mã QR vẫn có hiệu lực, giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. 

Cụ thể, tại Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT quy định tổng số giờ một khóa đào tạo như sau:

Hạng B1, thời gian đào tạo 476 giờ (lý thuyết 136 giờ, thực hành lái xe 340 giờ). Xe số cơ khí có thời gian đào tạo 556 giờ (lý thuyết 136 giờ, thực hành lái xe 420 giờ).

Hạng B2, thời gian đào tạo 588 giờ (lý thuyết 168 giờ, thực hành lái xe 420 giờ).

Hạng C, thời gian đào tạo 920 giờ (lý thuyết 168 giờ, thực hành lái xe 752 giờ).

Như vậy, số giờ học lý thuyết sẽ được ứng dụng, cập nhật và lưu dữ liệu cho mỗi lần học của học viên. Khi học viên đảm bảo đủ số giờ học lý thuyết mới đủ điều kiện thi sát hạch GPLX. 

“Đối với người có GPLX hiện đang sử dụng không có mã QR (nếu cấp trước 1-6-2020) vẫn phù hợp theo quy định. Tuy nhiên, nếu người dân có nhu cầu cấp, đổi GPLX có mã QR để thay cho GPLX đang còn thời hạn sử dụng thì Sở GTVT vẫn sẽ thực hiện theo quy định. Lệ phí cấp GPLX có mã QR không thay đổi so với cấp bằng lái trước đây” - ông Quang nói.

Đại diện một trung tâm đào tạo, sát hạch GPLX trên địa bàn TP.HCM cũng cho rằng: Việc áp dụng in mã QR trên bằng lái có thể hỗ trợ nhiều cho các lực lượng chức năng, đặc biệt đối với CSGT khi kiểm tra thông tin chi tiết về bằng lái của người vi phạm giao thông.

Chuẩn bị áp dụng bộ đề 600 câu hỏi

Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT giao cho Tổng cục Đường bộ ban hành bộ câu hỏi và phần mềm dùng cho sát hạch lý thuyết để cấp bằng lái xe. Theo đó, đơn vị đã biên soạn và ban hành bộ 600 câu hỏi từ tháng 1-2020 và dự kiến áp dụng ngày 1-6.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc dừng tổ chức đào tạo để đảm bảo cách ly xã hội nên việc áp dụng bộ đề 600 câu đã được lùi thời gian đến ngày mai (1-8). 

Về số lượng câu hỏi, đề thi sát hạch hạng B1 vẫn giữ nguyên 30 câu nhưng hạng B2 tăng từ 30 câu lên 35 câu; hạng C tăng từ 30 câu lên 40 câu; hạng D, E, F tăng từ 30 câu lên 45 câu. Bộ đề sát hạch mới có một câu hỏi bắt buộc phải trả lời đúng (lấy từ bộ 60 câu hỏi điểm liệt).

Người dự thi sát hạch trả lời đúng mỗi câu hỏi được 1 điểm. Trong đó, điểm yêu cầu đạt (trừ điểm trong bộ câu hỏi điểm liệt) đối với hạng B1 số sàn và B1 số tự động là 27/30; hạng B2 là 32/35; hạng C là 36/40; hạng D, E, F là 41/45. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm