Khách kêu trời vì liên tục bị chậm, hủy chuyến bay

Dịp hè này nhiều hành khách bức xúc vì phải nằm chờ vật vã tại sân bay nhiều giờ liền vì các hãng hàng không (đặc biệt là hãng giá rẻ) liên tục chậm, hủy các chuyến bay.

Trong khi đó, các hãng lại cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng đang đau đầu với bài toán này.

Vật vã uống nước cầm hơi

Anh Nguyễn Đình Sáng (ngụ quận Thủ Đức) cho biết: “Tôi đặt vé từ TP.HCM đi Phú Quốc trên chuyến bay số hiệu VJ331 lúc 17 giờ 45 ngày 19-7. Gần đến giờ bay, tôi được thông báo chuyến bay trễ vì máy bay không đến kịp và phải hoãn đến 18 giờ 30, rồi tiếp đến 19 giờ 15 và cuối cùng đến 20 giờ 35. Chuyến bay VJ331 phải 22 giờ 30 mới đến Phú Quốc”.

“Khách đi chậm một chút là đóng quầy, bị hủy vé. Trong khi hãng trễ mấy tiếng đồng hồ thì bắt khách hàng nằm vật vã ở sân bay như đi tị nạn, làm lỡ biết bao nhiêu kế hoạch kinh doanh nhưng chỉ nhận được lời xin lỗi cùng chai nước suối uống cầm hơi. Bên cạnh đó, thái độ phục vụ của nhân viên hãng chưa thật sự tốt làm hành khách cảm thấy mình không được tôn trọng” - anh Sáng chia sẻ.

Tương tự, trường hợp của anh Lê Thanh Hải (ngụ Bình Thạnh) đi chuyến VJ215 ngày 3-7 cũng bị hoãn ba lần. Theo đó, chuyến bay VJ215 khởi hành lúc 19 giờ nhưng phải đến 22 giờ 30 mới bay.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi, thời gian qua đã có nhiều hành khách bức xúc vì việc chậm, hủy chuyến của các hãng (đặc biệt là hàng không giá rẻ) làm ảnh hưởng đến lịch trình công việc. Nhiều người bảo đây đã là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Hành khách đi cùng chuyến bay với anh Nguyễn Đình Sáng trong chặng bay Sài Gòn - Phú Quốc mệt mỏi vì bị hoãn nhiều lần. Ảnh: VH

Năng lực phục vụ còn kém

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện hãng hàng không Vietjet Air (VJA) cho biết nguyên nhân dẫn đến việc chậm, hủy chuyến của hãng tại sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) nói riêng (và cả nước nói chung) là vì nhiều lý do. Đơn cử như do thời điểm vừa qua thời tiết diễn biến hết sức phức tạp. Tình trạng mưa lớn, thường xuyên tại miền Nam, mưa gió bất thường tại Nội Bài cũng như tại các sân bay khác… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không nói chung và đặc biệt là VJA nói riêng do tỉ trọng khai thác nội địa của VJA cao.

Đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) cũng cho biết: “Chậm, hủy chuyến là vấn đề đau đầu của các hàng không và là câu chuyện muôn thuở mà các hãng phải tìm ra biện pháp xử lý. Những nguyên nhân gây ra chậm, hủy chuyến của hãng hàng không thường là do khai thác, thời tiết, sự cố kỹ thuật… và phụ thuộc vào từng thời điểm”.

Lý giải việc tại sao hàng không giá rẻ thường có tỉ lệ chậm, hủy chuyến cao, đại diện một hãng hàng không cho biết: “Đa số hãng hàng không giá rẻ hiện nay đều khai thác, tận dụng tối đa nguồn lực để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị nguồn lực không tốt thì khi một chuyến bay gặp sự cố sẽ dễ kéo theo một loạt chuyến bay khác bị ảnh hưởng dây chuyền.

Thực tế việc chậm, hủy chuyến là câu chuyện quen thuộc của ngành hàng không. Tuy nhiên, điều quan trọng là thái độ phục vụ của nhân viên và các chính sách xử lý sự cố của hãng có làm hài lòng khách hàng hay không mà thôi”.

Cục Hàng không: Chậm giờ, hủy chuyến có chiều hướng tăng

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, do quy mô và tính chất khai thác nên tỉ lệ chậm của các hãng cũng khác nhau. Các nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm chuyến của các hãng vẫn chủ yếu do máy bay về muộn (chiếm 70%) và nguyên nhân do hãng hàng không (chiếm 19,2%).

Theo thống kê và đánh giá của sân bay TSN, tình trạng chậm giờ, hủy chuyến, nhất là đối với các hãng hàng không giá rẻ có chiều hướng tăng cao trong sáu tháng đầu năm. Cụ thể, các số liệu cho thấy trong sáu tháng vừa qua, các hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), VJA và JPA có 13.493 lượt chuyến bay chậm khởi hành hơn 15 phút (chiếm tỉ lệ 24,09%).

Trong đó VJA dẫn đầu khi có tới 6.682 chuyến bay bị chậm (chiếm tỉ lệ 43,42%), xếp ngay sau đó là JPA với 2.370 chuyến (chiếm tỉ lệ 32,93%)...

Một chuyên gia hàng không cũng nhìn nhận số chuyến chậm thường là do máy bay về muộn. Đây là hệ quả dây chuyền - càng về cuối ngày càng bị dồn lại. Tình trạng này càng trầm trọng hơn khi các hãng giá rẻ phải sắp kín lịch với thời gian quay đầu ngắn. Nếu một máy bay bị chậm trễ sẽ kéo theo những chuyến sau cũng bị trễ. Bên cạnh đó, sân bay TSN đang trong tình trạng quá tải. Việc thiếu vị trí đậu cho máy bay vào giờ cao điểm cũng dẫn đến tình trạng chậm trễ…

Khách nghi hàng không giá rẻ dồn chuyến tăng lợi nhuận

Trước câu hỏi của PV: Có hay không việc hãng hàng không giá rẻ dồn chuyến tăng lợi nhuận, đại diện VJA cho biết: “Thực tế điều này không thể xảy ra vì các chuyến bay đều phải đăng ký với Cục Hàng không. Khi có bất kỳ sự thay đổi nào, hãng đều phải báo cáo về cảng vụ chứ không phải tùy ý. Việc có tỉ lệ chậm, hủy chuyến cao là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động của hãng. Bên cạnh đó, hãng hàng không phải chịu nhiều thiệt hại về tài chính khi có chuyến bay bị chậm hoặc không khai thác”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm