Khối việc khổng lồ của ‘siêu ban’ giao thông

“Trong tổng số 409 dự án được ban tiếp nhận thì số dự án chuyển tiếp tiếp tục thi công trong năm nay là 112. Trong đó, có 25 dự án sẽ hoàn thành trong năm”. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, phát biểu trong buổi chuyển giao tổ chức chiều 16-5.

Những công trình hoàn thành trong năm 2019

Nói về các công trình sẽ hoàn thành trong năm 2019, ông Phúc cho biết trong quý II tới ban sẽ hoàn thành: Cải tạo dốc dọc đường đầu cầu Phạm Văn Chí; mở rộng đường Nguyễn Văn Luông (quận 6); nâng cấp mở rộng đường số 12 đoạn từ quốc lộ 1 đến Nghĩa trang TP.

Quý III sẽ có bảy công trình hoàn thành: Nâng cấp tỉnh lộ 10; mở rộng cầu chữ Y; mở rộng cầu Kênh Tẻ; cải tạo - nâng cấp - hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía Đông (từ nút giao Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc, quận 2); tăng cường khả năng khai thác trên tuyến quốc lộ 1 (từ cầu Bình Phước đến ngã tư An Sương); mở rộng đường Lương Ngọc Quyến (quận Gò Vấp); nâng cấp tuyến đường nối từ nút giao cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Ba tháng cuối năm, 16 công trình sẽ được làm xong, trong đó bốn công trình cầu gồm: Xây dựng mới cầu Ông Bồn (quận 9); xây dựng cầu tạm An Phú Đông (quận Gò Vấp); cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm; cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ).

Năm dự án đường gồm: Nâng cấp - mở rộng 1,65 km quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); đường vào khu đất Học viện Phật giáo; đường nối từ Nguyễn Văn Hưởng (quận 2) vào xa lộ Hà Nội; tuyến đường nối từ nút giao cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2); đường ven rạch Lăng (quận Bình Thạnh)...

Ngoài ra, năm nay “siêu ban” cũng dự kiến khởi công mới 26 dự án mới. Trong số này có những dự án trọng điểm như sửa chữa “rốn ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh; cầu vượt Bến xe Miền Đông; xây cầu Phú Long mới; cầu đường Nguyễn Khoái (quận 4); hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)…

Công trình mở rộng cầu  Kênh Tẻ nối quận 4 với quận 7, một trong những dự án được hoàn thành trong năm nay của “siêu ban”.  Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Mỗi tháng giải ngân trên 300 tỉ đồng

“Tổng mức đầu tư của 409 dự án mà ban tiếp nhận là 73.000 tỉ đồng. Áp lực công việc rất lớn, khối lượng công việc khủng khiếp và trải đều 24 quận/huyện, trên các lĩnh vực như bến bãi, đường thủy, bờ kè, cầu đường, nút giao, hầm…” - ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong buổi chuyển giao.

4 nhiệm vụ trọng tâm của “siêu ban” trong năm nay gồm: Triển khai, đảm bảo tiến độ các công trình; sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giải ngân đạt tỉ lệ 98% năm 2019; xây dựng ban chuyên nghiệp, hiệu quả; tập trung phát triển nguồn nhân lực. 

Theo ông Lâm, hiện TP đã bố trí vốn đợt 1 khoảng 2.800 tỉ đồng cho 122 dự án. “Như vậy mỗi tháng ban phải giải ngân hơn 300 tỉ” - ông Lâm nói.

Giám đốc Sở GTVT TP nhấn mạnh: Tới nay nhiệm vụ của ban sẽ rất nặng nề vì với TP, nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng nhất trong bảy chương trình đột phá của TP.

Ông Lương Minh Phúc cho rằng mỗi tháng giải ngân 300 tỉ đồng là rất khó khăn. “Dù rất khó khăn nhưng tôi xin hứa cùng cán bộ, nhân viên ban đoàn kết để hoàn thành nhiệm vụ” - ông Phúc khẳng định.

264 cán bộ, nhân viên

Cuối tháng 4, Sở GTVT TP.HCM đã chuyển giao chức năng quản lý các dự án xây dựng cầu, đường trên địa bàn TP sang Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM. “Siêu ban” có một giám đốc; hai phó giám đốc; 264 cán bộ, nhân viên (178 nhân viên từ các khu quản lý giao thông đô thị, Sở GTVT chuyển qua); 10 ban điều hành dự án trực thuộc. Tổng số dự án được “siêu ban” tiếp nhận là 409 dự án. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm