Không sai khi gọi trạm BOT là ‘trạm thu tiền’

Bộ GTVT đang khiến dư luận xôn xao khi đề xuất đổi tên “trạm thu phí” (trước đó là “trạm thu giá” - PV) thành “trạm thu tiền” trong dự thảo thông tư thay thế cho Thông tư 49/2016 (xem thêm trên Pháp Luật TP.HCM ngày 9-5, bài “Vì sao đổi tên “trạm thu giá” thành “trạm thu tiền”?). Để xem đề xuất đổi tên này đúng hay sai, chúng ta cần làm rõ bản chất kinh tế của thuật ngữ trong nền kinh tế thị trường và trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Phải làm rõ bản chất thuật ngữ

 PGS-TS Ngô Trí Long

Về bản chất kinh tế, phí và giá là giống nhau nhưng giữa chúng cũng có điểm khác biệt. Cụ thể, phí là khoản tiền phải trả do dịch vụ công cung cấp, mang tính phục vụ, nhằm bù đắp một phần ngoài khoản mà ngân sách nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp; hoặc cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.

Trong khi đó, giá là khoản tiền phải trả (thanh toán) trong hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ theo quy luật thị trường (quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu). Bản chất kinh tế của giá trong cấu thành của nó là tính đúng, tính đủ chi phí trong sản xuất hàng hóa, dịch vụ.

Hiện nay, giá và phí được điều chỉnh bởi hai luật: Luật Giá 2012 và Luật Phí và lệ phí 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017).

Còn BOT là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định và chuyển giao cho cơ quan nhà nước khi hoàn đủ vốn.

Giai đoạn trước ngày 1-1-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001. Theo đó, “phí sử dụng đường bộ” nằm trong danh mục phí, lệ phí quy định tại pháp lệnh này và do Nhà nước quản lý, ban hành (đối với quốc lộ thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính ban hành, đối với đường địa phương thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh).

Từ ngày 1-1-2017, Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 có hiệu lực thi hành. Trong danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá kèm theo Luật Phí và lệ phí thì “phí sử dụng đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh được chuyển thành “giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh và thực hiện theo quy định của Luật Giá”.

Sự chuyển đổi này hoàn toàn phù hợp với bản chất kinh tế của nó trong nền kinh tế thị trường. Nghị định 149/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá xác định rõ về thẩm quyền và trách nhiệm định giá của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, điểm e khoản 2 Điều 8 nghị định này xác định bộ trưởng Bộ GTVT có trách nhiệm quy định giá đối với dịch vụ sử dụng đường bộ gồm: “Đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh…”.

Như vậy, nếu hệ thống hạ tầng đường bộ do Nhà nước đầu tư, tiền thu được gọi là phí sử dụng đường bộ. Khi tư nhân tham gia đầu tư, không còn là dịch vụ công, nếu gọi là phí sử dụng đường bộ sẽ không phù hợp với bản chất kinh tế của nó và trái với luật đã ban hành.

Bộ GTVT đang đề xuất đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền”. Ảnh: VIẾT LONG

Đổi tên không có gì sai

Thời cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, ngôn ngữ tiếng Việt không có những thuật ngữ chứng khoán, cổ phiếu, nợ công, đấu giá… và phải sau này mới được bổ sung. Trong cơ chế thị trường, hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ thì ngôn ngữ thường dùng đối với người mua là trả giá, thanh toán tiền giá, trả tiền giá hàng hóa, dịch vụ. Đối với người bán là nhận tiền trả giá, nhận tiền thanh toán giá, thu tiền giá của người mua hàng hóa, dịch vụ... Vì thế, việc xuất hiện từ ngữ mới “thu giá” gây ra nhiều ý kiến trái chiều là bình thường.

Do vậy, xét về bản chất kinh tế của phí và giá, việc đổi tên “trạm thu phí” sang “trạm thu giá” là không có gì sai và không trái với luật định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao dư luận lại phản đối rất mạnh mẽ trước việc đổi tên này?

Theo tôi, quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT đã nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc xã hội, nhất là mức phí và vị trí đặt các trạm thu phí. Đó là nguyên nhân dẫn tới sự phản đối của dư luận trước việc đổi tên các trạm BOT của Bộ GTVT.

Vậy nên gọi tên các trạm BOT như thế nào để phù hợp với bản chất kinh tế, với luật định cũng như ngôn ngữ phổ thông của tiếng Việt? Có ý kiến cho rằng vẫn để nguyên tên như cũ (trạm thu phí) vì bản chất của nó cũng là thu tiền dịch vụ BOT. Nhưng nếu để nguyên như vậy là trái với Luật Giá và Luật Phí và lệ phí, trái với bản chất của giá dịch vụ sử dụng đường bộ do tư nhân đầu tư.

Cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng nên gọi trạm BOT là trạm thu tiền, trạm trả tiền, trạm thu giá… Theo tôi, để phản ảnh đúng bản chất của giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đúng luật pháp đã ban hành, dễ hiểu, phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt, tên của các trạm BOT nên đổi thành “trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ”.

VIẾT LONG ghi

Bộ GTVT: Sử dụng tên “trạm thu tiền” để phù hợp luật

Tại dự thảo thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ để thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Bộ GTVT đổi “trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ” thành “trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ”.

Bộ GTVT lý giải việc thay tên nhằm đưa ra khái niệm cũng như giải thích nội hàm của các trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ theo đúng quy định của Luật Giá. Việc thay tên không ảnh hưởng doanh nghiệp vì các trạm BOT không cần phải thay đổi tên.

Bên cạnh đó, việc thu tiền hay thu giá… thì mức thu đều dựa trên phương án tài chính của dự án và cập nhật các yếu tố biến động để điều chỉnh phù hợp theo các quy định hiện hành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm