Không thể cấm ngay xe máy, xe cá nhân

“Không nên cấm hẳn, cấm ngay xe máy mà cần có lộ trình”. Sáng 1-8, tại buổi tọa đàm “Phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia và người dân đã đề xuất như trên.

Xe cá nhân là “thủ phạm”?

Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng - Sở GTVT TP, trong sáu tháng đầu năm 2017, khối lượng hành khách đi các tuyến xe buýt có trợ giá đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016. Với thông tin có phần lạc quan trên, nhiều ý kiến cho rằng muốn giảm ùn tắc, tai nạn giao thông thì phải thêm xe buýt; giảm xe máy, xe cá nhân.

Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, không nên coi xe máy, xe cá nhân là “thủ phạm” gây nên ùn ứ, tắc nghẽn giao thông ở các đô thị lớn mà nguyên nhân chính là do ý thức của người đi đường, tài xế ô tô, xe máy...

Nhiều ý kiến của người dân gửi đến buổi tọa đàm cũng đề xuất TP không nên cấm hẳn, cấm ngay xe máy, xe cá nhân mà cần có lộ trình hạn chế các loại xe này (về thời gian và khu vực). Cạnh đó, chỉ khi metro, các loại hình vận tải sức chở lớn hình thành, vận hành trơn tru thì mới từ từ hạn chế xe máy, xe cá nhân. 

Còn theo PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường ĐH GTVT TP.HCM, chớ vội mừng với số liệu người đi xe buýt tăng. Vì lẽ đó có thể chỉ là số lượng “tăng cơ hội” sau khi TP áp dụng các biện pháp thay xe buýt cũ bằng xe mới. “Người dân đi xe buýt tăng vì xe có máy lạnh, tránh được cái nắng nóng chứ đi loại xe này còn tốn thời gian, kém cơ động lắm” - PGS-TS Bích Hằng kể người bạn của mình đã dần từ bỏ xe buýt vì trước đây anh đi làm bằng xe buýt từ 7 giờ 30 là tới kịp cơ quan, còn bây giờ phải đi từ 5 giờ 30 sáng. “Kẹt xe đã, đang và ngày càng thêm trầm trọng nên Sở GTVT, UBND TP cần có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phát triển xe buýt như có làn đường dành riêng, xe buýt nhanh (BRT), đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến metro… thì mới có thể có được số lượng người dân đi xe buýt, đi metro tăng lên bền vững” - PGS-TS Bích Hằng đề nghị.

Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường: “Phát triển metro, xe buýt để người dân thấy đi các loại phương tiện này an toàn, tiện lợi hơn đi xe máy, xe cá nhân”.

Uber, Grab, xe máy… là vận tải công cộng

Nhấn mạnh vai trò của các phương tiện vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng: “Lâu nay chúng ta vẫn coi và chỉ dựa vào ba loại phương tiện đường sắt đô thị, xe buýt và taxi là vận tải hành khách công cộng. Nhưng nay tình hình đã thay đổi, công nghệ kỹ thuật số đã làm xuất hiện việc kết nối, chia sẻ và dùng chung giữa nhà xe với hành khách. Vì vậy, tới đây đừng nghĩ các loại xe Uber, Grab… là xe cá nhân đem ra chở khách mà phải coi chúng cùng các loại xe đạp, xe máy dùng chung... như là các loại hình vận tải hành khách công cộng”. Ông Cường nhấn mạnh cần nhìn nhận xe Uber, Grab… là loại hình vận tải hành khách công cộng để quản lý và phát triển có định hướng, từ đó mới giúp có giải pháp phù hợp giải quyết bài toán ùn tắc giao thông hiện nay.

Cũng theo ông Cường, hiện vận tải hành khách công cộng của TP vẫn dựa vào xe buýt là chính. Nhưng từ sau năm 2025, khi đường sắt đô thị với các loại hình như metro, monorail, tramway và các loại hình vận tải có sức chở lớn khác sẽ là xương sống của vận tải hành khách công cộng. “Khi đó xe buýt, taxi, xe Uber, Grab... sẽ đóng vai trò phục vụ, gom khách cho metro, các loại xe sức chở lớn” - ông Cường nhấn mạnh.

“Khoảng hở” nhà cao tầng

Đề cập đến các biện pháp trước mắt để tránh ùn tắc ở khu vực trung tâm TP, ông Khuất Việt Hùng cho rằng cần thu phí với xe đi vào trung tâm TP và tăng mức phí thu đậu xe ở khu vực trung tâm, đặc biệt ô tô do diện tích chiếm chỗ lớn. Ông Hùng cũng đề nghị trước khi triển khai xây dựng các dự án nhà cao tầng, cao ốc văn phòng… thì rất cần có đánh giá tác động của công trình đó tới giao thông đô thị (giống như ĐTM ở các dự án liên quan đến môi trường).

Đại diện Sở Xây dựng TP cho rằng đến nay chưa có quy định về đánh giá như ông Hùng nêu mà chỉ có ý kiến đóng góp của các sở, ngành như GTVT, quy hoạch kiến trúc xem công trình đó có phù hợp quy hoạch đô thị hay không. Nhiều ý kiến cho rằng đây là “khoảng hở” làm cho nhà cao tầng ngày càng phát triển không tương xứng với diện tích mặt đường, số kilomet đường trong đô thị và hậu quả xảy ra là đô thị càng phát triển, càng bị “nén” thì càng kẹt xe.

Phải quản lý đô thị, giao thông TP làm sao để hướng người dân đi xe cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng chứ không thể kiểm soát hay cấm xe máy, xe cá nhân.

PGS-TS NGUYỄN THỊ BÍCH HẰNG,
Trường ĐH GTVT TP.HCM

Vận tải hành khách công cộng và xe máy, xe cá nhân luôn tồn tại song song, hỗ trợ nhau trong việc đi lại của người dân ở các đô thị, TP lớn. Phải phát triển metro, xe buýt lên để người dân thấy đi các loại phương tiện này được an toàn, bảo vệ môi trường, tiện lợi hơn là đi xe máy, xe cá nhân. Không thể quản lý giao thông đô thị bằng cách cấm dân đi xe máy, xe cá nhân và buộc chuyển sang đi phương tiện công cộng.

Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm