Làm đường sắt cao tốc: Liệu cơm gắp mắm

Nguyên nhân: Nhiều ý kiến cho rằng dự án không khả thi, hiệu quả kinh tế thấp và làm dự án lúc này “giống như gia đình nhà tranh vách đất muốn mua biệt thự thay vì tích tiền xây nhà ngói”.

Tuy nhiên, sau đó Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu dự án và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư vào kỳ họp thứ 8 (sẽ diễn ra vào tháng 10-2019).

Trong bối cảnh đường sắt Bắc-Nam quá lạc hậu và là lực cản cho phát triển kinh tế nên việc nghiên cứu hiện đại hóa ngành đường sắt là việc làm cần thiết. Chính vì vậy, trong các báo cáo của Bộ GTVT cũng nêu khá rõ những kịch bản và lợi thế khi nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu và xây một tuyến đường sắt mới.

Điều dễ nhận thấy là việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu là rất khó vì kiến trúc tầng trên chính tuyến gồm nhiều chủng loại ray, ghi, tà vẹt khác nhau và đều cũ, chất lượng kém, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, hàng ngàn đường ngang dân sinh và trên 90% đầu máy có tuổi đời trên 30 năm trở lên…, nếu đổ tiền vào đường sắt hiện hữu sẽ rất tốn kém và tốc độ chạy tàu không cao.

Vì vậy, việc Bộ GTVT nghiên cứu xây mới một đường sắt Bắc-Nam là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, với đề xuất tốc độ thiết kế 350 km/giờ chỉ phục vụ vận chuyển hành khách (tốc độ này không vận chuyển hàng hóa) khiến nhiều người băn khoăn.

Băn khoăn của nhiều người là có cơ sở, vì nếu nói về vận tải hành khách thì ngành đường sắt khó cạnh tranh được với hàng không dù tốc độ vận chuyển có nâng lên trên 350 km/giờ. Đồng thời, với tốc độ thiết kế này, chắc chắn giá vé đường sắt cũng sẽ khó cạnh tranh với đường hàng không.

Những năm qua, nhu cầu về vận tải hàng hóa Bắc-Nam là rất cao. Trong khi đó điểm mạnh của đường sắt là vận chuyển hàng hóa, nếu chỉ vận chuyển hành khách thì khó thu hồi vốn đầu tư và bỏ đi lợi thế của ngành đường sắt. Thế nên một số chuyên gia cho rằng việc bắt buộc đường sắt cao tốc phải có vận chuyển hàng hóa là hoàn toàn có cơ sở.

Ngoài ra, cái gương các dự án metro thời gian qua cũng khiến nhiều người dân không còn hào hứng với các dự án lớn và kéo dài trong nhiều thập niên.

Tóm lại, những ý kiến trước kia và việc mới đây Hội đồng thẩm định Nhà nước quyết định mời tư vấn nước ngoài để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án là một tín hiệu tốt. Việc này sẽ giúp Chính phủ, Quốc hội có cái nhìn khách quan, đa chiều nhằm đưa ra một quyết sách phù hợp để hiện đại hóa hệ thống đường sắt, đảm bảo tính khả thi, làm cầu nối để phát triển hành lang kinh tế Bắc-Nam trong nhiều năm tới, đặc biệt là phù hợp với sức mua của dân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm