Lo tắc đường khi Cát Lái tăng hạn mức tàu cập cảng

Cảng Cát Lái (quận 2, TP.HCM) hiện chiếm 40% công suất sản lượng hàng container qua cảng biển cả nước. Trong khi đó, hạ tầng giao thông ở khu vực này đã quá tải trong nhiều năm nay. Vì vậy, nhiều người lo ngại việc đề nghị bỏ quy định khống chế số chuyến tàu cập bến của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ càng gây áp lực cho giao thông khu vực cảng này.

Kiến nghị bỏ hạn mức tàu cập bến

Theo ghi nhận của PV, hiện các tuyến đường kết nối với cảng Cát Lái như xa lộ Hà Nội, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống… đều rơi vào tình trạng quá tải, nhất là vào các giờ cao điểm.

Nhiều năm nay ngành giao thông TP đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện giao thông khu vực. Cụ thể, cải tạo nút vòng xoay Mỹ Thủy giai đoạn 1 (đã thông xe) nhưng tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra như cơm bữa. Trong khi đó, các nút giao thông An Phú - Lương Định Của cũng luôn rơi vào trạng thái bế tắc.

Anh Dương Thanh Hải, một tài xế xe container, cho biết: “Mỗi lần vào cảng Cát Lái là một cực hình bởi đường sá đều quá tải. Để đến được cảng cũng phải mất 3 giờ, có ngày mất 8 giờ di chuyển, làm ảnh hưởng không ít đến doanh nghiệp”.

Đặc biệt, mới đây Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đề nghị bỏ quy định khống chế số lượng 81 chuyến tàu/tuần cập cảng Cát Lái. Đồng thời, cho tàu có tải trọng trên 45.000 tấn cập cảng Cát Lái.

Theo đại diện tổng công ty này, hiện nay cảng mới chỉ khai thác 80% công suất và vẫn có thể tiếp nhận thêm tàu cập cảng. Tổng công ty cũng đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo sản xuất ổn định, giao thông thông suốt cho khu vực cảng Cát Lái.

Mỗi ngày có rất nhiều xe container ra vào cảng Cát Lái. Ảnh: Đ.TRANG

Lý do mà đơn vị này đề nghị bỏ hạn mức lượng tàu cập bến là do tổng công ty đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều chương trình làm thủ tục và thanh toán qua mạng, từ đó sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí. Tổng công ty cũng tăng 11 làn xe vào, tám làn xe ra khi mở rộng cổng E (hiện có năm cổng giao nhận gồm A, B, C, D, E với 31 làn vào và 18 làn ra); cổng C có ba làn vào, hai làn ra… có thể đáp ứng được lượng phương tiện ra vào cảng.

Ngoài ra, cảng đang tiến hành đầu tư triển khai cổng tự động giao nhận bằng hình ảnh, đầu tư xe cứu hộ khi các phương tiện gặp sự cố, đưa các dịch vụ hỗ trợ ra ngoài cảng để hạn chế các phương tiện vào cảng…

Sắp tới nhiều doanh nghiệp sẽ không cần tới cảng để làm thủ tục cập cảng vì cảng tiếp tục đẩy mạnh các thủ tục đăng ký xuất tàu, lệnh giao hàng điện tử qua mạng. Như vậy, thời gian thông quan, thời gian xe chờ đậu tại cổng cảng và giao nhận tại cảng đều được rút ngắn xuống.

Để giảm ùn tắc, Sở GTVT  TP.HCM cho rằng cần phát triển mạnh vận tải container bằng đường thủy giữa các cảng cạn ICD đến cảng Cát Lái. Đồng thời, thực hiện điều tiết lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái tùy thời điểm từng tháng trong năm.

Về lâu dài, cần sớm di dời cụm cảng Trường Thọ ra khỏi khu vực, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt chuyên dùng vận chuyển container từ cảng Cát Lái đến các đầu mối giao thông trong khu vực.  

Sẽ gây áp lực lên giao thông đường bộ

Theo Sở GTVT TP.HCM, thực tế tổng số lượng xe lưu thông trên đường ra vào cảng Cát Lái được quy đổi xe con theo ngày đêm là 108.192 xe. Con số này vượt năng lực thông hành đảm bảo dòng xe ổn định của các tuyến đường ra vào cảng là 86.400 xe ngày đêm. Khu vực này vốn đã ùn tắc giao thông, nếu tăng số lượng tàu cập bến thì sẽ càng gia tăng ùn ứ.

Việc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đề xuất bỏ quy định khống chế số chuyến tàu 81 chuyến/tuần cập cảng Cát Lái (bao gồm cả cảng Tân Cảng Phú Hữu), Sở GTVT đã có công văn gửi Cảng vụ hàng hải TP.HCM về thay đổi tàu khai thác, tăng tuyến tại Tân Cảng Cát Lái.

Cũng theo Sở GTVT, hiện lượng xe lưu thông trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái là Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công đã vượt năng lực thông hành đảm bảo dòng xe ổn định. Đồng thời, tình hình giao thông trên các tuyến đường sau cảng hiện nay còn phức tạp. Từ đó Sở đề nghị Cảng vụ hàng hải TP.HCM cân nhắc, xem xét việc có nên tăng kích cỡ tàu khai thác và tăng chuyến khai thác tại khu cảng Cát Lái hay không.

Sở này cũng đề nghị Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xây dựng cơ chế điều phối từ xa nhằm giảm thời gian phương tiện chờ giao nhận hàng hóa tại cảng và tránh tình trạng ô tô vận chuyển hàng hóa đậu chờ trên các tuyến đường để vào cảng Cát Lái; đầu tư xe cứu hộ khi các phương tiện gặp sự cố để không xảy ra ùn tắc giao thông.

Cần phải nâng cấp các tuyến đường kết nối

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, nhận định lượng xe ra vào cảng Cát Lái hiện nay đã quá tải. Việc bỏ giới hạn số lượng tàu cập bến sẽ dẫn tới lượng container ra vào cảng nhiều hơn, từ đó giao thông khu vực sẽ càng ùn ứ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân.

Theo ông Trường, trong thời điểm hiện nay thì không thể tăng số lượng tàu cập bến được, việc này sẽ gây áp lực lớn lên giao thông đường bộ. Để giải quyết bài toán ùn tắc này thì hàng loạt công trình phải được khởi công và hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu đi lại và giải tỏa ùn tắc giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm