Lo tai nạn khi vào đường rẽ vành đai 2

Trước đây, người dân lưu thông trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (vành đai 2) hướng từ đường Võ Chí Công về Đỗ Xuân Hợp (quận 9) hoặc Nguyễn Duy Trinh (quận 9) thì phải đi đến vòng xoay An Phú (quận 2) rồi quay ngược lại.

Mặt khác, mật độ xe lưu thông tại vành đai 2 hiện nay rất đông. Vì vậy, việc Sở GTVT TP.HCM mở đường rẽ vành đai 2 không những giúp người dân rút ngắn quãng đường lưu thông mà còn cải thiện tình trạng ùn tắc.

Tuy nhiên, đường rẽ này cũng trở thành mối lo ngại cho người dân khu vực.

Rình rập tai nạn giao thông

Ghi nhận của PV, tại khu vực đường rẽ, Sở GTVT cũng lắp đặt nhiều biển báo nguy hiểm, biển báo đi chậm để cảnh báo cho người dân.

Theo quan sát, khi xe máy và ô tô rẽ vào đường này sẽ lưu thông qua cầu sắt đến nút giao Đỗ Xuân Hợp và rẽ phải (nếu về Phước Bình) hoặc rẽ trái (ra đường Nguyễn Duy Trinh). Đồng thời, một số lượng lớn dân cư mới chuyển đến các tòa nhà chung cư tại khu vực này sẽ thuận tiện lên đường vành đai 2 để di chuyển vào trung tâm TP.

Tuy nhiên, việc xe máy, ô tô cùng lúc di chuyển vào đường rẽ này cũng khiến tình trạng giao thông trở nên phức tạp.

Chị Huỳnh Thị Xuân Trà (quận 2) cho biết vào giờ cao điểm, tuyến đường này rất đông các xe di chuyển, nối đuôi nhau nhích từng chút một. Kẹt xe nghiêm trọng hơn là nút giao An Phú vì đây là điểm giao cắt giữa các tuyến đường có lượng xe rất lớn.

Theo chị Trà, đường rẽ vành đai 2 là lối thoát cho những lúc kẹt xe ở giao lộ Mai Chí Thọ. Từ đó đoạn đường rẽ sẽ tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông khu vực quận 2, quận 9 và quận 1.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Nho (quận 9) thì tỏ ra lo ngại: “Đường rẽ này cho xe máy và ô tô lưu thông cùng nhau, nếu không cẩn thận sẽ rình rập tai nạn giao thông. Chừng nào mở đường song hành như tuyến từ đường Mai Chí Thọ đến Võ Chí Công ra ngã tư An Phú để chạy men theo cao tốc mới ổn được”.

Đồng quan điểm, anh Võ Văn Khôi (ngụ đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2) cho hay đường vành đai 2 với thiết kế ba làn đường (gồm hai làn xe chạy và một làn dừng khẩn cấp), cho phép các loại xe lưu thông 120 km/giờ. Vì vậy khi quẹo vào đường rẽ với bề ngang vừa lọt hai chiếc ô tô, nếu hai xe ngược nhau sẽ rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Nhánh đường rẽ từ vành đai 2 vào đường song hành. Ảnh: THU TRINH

Ngăn chặn tình trạng lùi xe trên cao tốc

Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TP.HCM) cho biết trước đó Sở đã chấp thuận phương án xây dựng nhánh đường rẽ phải từ đường vành đai 2 và thông xe từ ngày 31-8-2019. Nhánh rẽ này kết nối vào đường song hành để cho các phương tiện, ô tô từ 16 chỗ trở xuống lưu thông hướng về đường Đỗ Xuân Hợp.

Đại diện trung tâm cho biết thêm hiện nay tuyến đường vành đai 2, hướng từ Long Thành đi TP.HCM thường xuyên ùn ứ giao thông kéo dài. Trên đoạn đường này hướng từ đường Võ Chí Công đến nút giao An Phú có chiều dài 4 km, không có lối ra nhằm chia sẻ lưu lượng xe trong thời điểm bị ùn ứ.

Khi ùn ứ trên 4 km cao tốc, đã có các ô tô đi lùi ngược trên các nhánh rẽ lên đường Võ Chí Công và đường Đỗ Xuân Hợp, gây nguy hiểm cho các xe lên đường cao tốc.

Trước thực trạng trên, trung tâm đã tổ chức giao thông trên mỗi hướng tuyến của vành đai 2 gồm hai làn ô tô và một làn xe máy, có dải phân cách tách làn ô tô và xe máy. Dải phân cách tim đường 2 m được trồng cây xanh.

Theo vị đại diện trung tâm, việc mở nhánh rẽ phải từ vành đai 2 xuống đường song hành nhằm mục đích: Mở thêm lối thoát trên 4 km vành đai 2, khi ùn ứ các xe sẽ chuyển hướng xuống đường song hành rồi đi các hướng khác để về trung tâm TP. Các xe ở khu vực trên đường Đỗ Xuân Hợp có thể xuống tại vị trí này, tránh phải rẽ xuống đường Võ Chí Công. Qua đó giúp người dân giảm bớt hành trình di chuyển và tránh tuyến đường có rất nhiều xe tải nặng lưu thông.

“Tại vị trí điểm xuống đã bố trí hệ thống biển báo, biển cảnh báo và biển hướng dẫn, các vạch sơn. Các giá long môn cũng đã được lắp đặt đầy đủ. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục theo dõi tình hình giao thông tại khu vực để lắp bổ sung biển báo hướng dẫn nếu cần thiết” - vị đại diện này cho hay.

Không nên cho xe máy đi đường vành đai 2

Ông Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết vành đai là tuyến đường rất quan trọng bởi đây là đường giao thông hiệu quả để người dân không tập trung vào những tuyến đường chính. Nguyên tắc của đường vành đai là không có xe máy vì nếu có xe máy chạy chung thì nó đã trở thành đường đô thị rồi. “Có thể hiện nay kinh phí để xây dựng tuyến đường này không đủ nên tạm thời chưa mở rộng làn đường, vì vậy chính quyền cần chuẩn bị lộ giới để sẵn sàng mở rộng” - ông Sơn nói.

Đặc biệt, cho dù đường vành đai có chạy qua khu đô thị thì cũng không nên mở làn đường vào các khu dân cư. Bởi đây là hệ thống giao thông kết nối vùng, cần lưu thông nhanh.

Bên cạnh đó, ngành giao thông cần xem lại quy hoạch, xem lại tổ chức như vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, đường hướng tâm, đường Nguyễn Văn Linh… Phải thiết kế theo tiêu chuẩn không nên cho trộn xe máy đi chung, ít ngã tư để đảm bảo an toàn giao thông. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm