Năm 2020: TP.HCM sẽ chắp cánh cho giao thông đường thủy

Tận dụng lợi thế từ kênh rạch, sông ngòi, TP.HCM đã đưa nhiều tuyến giao thông đường thủy vào khai thác, góp phần chia sẻ gánh nặng giao thông với các tuyến đường bộ. Trong năm nay, TP sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án về giao thông đường thủy khác.

Nhiều tuyến khởi động trong năm 2020

TP.HCM hiện có hai tuyến giao thông đường thủy nhận được sự thu hút của người dân là tuyến cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu và buýt sông (Bạch Đằng - Linh Đông).

Đối với tuyến buýt sông Bạch Đằng - Linh Đông được vận hành khoảng hai năm nay, thu hút được người dân đi lại, song sự liên kết giữa các bến và điểm đón chưa thuận tiện.

Bên cạnh đó, đa phần hành khách đi lại chủ yếu với mục đích du lịch, trải nghiệm. Vì vậy, lượng khách thường đông đúc vào cuối tuần và ngày lễ, còn những ngày trong tuần lại vắng.

Trong khi đó, tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu cũng đã trở thành phương tiện cho người dân lựa chọn khi tới Vũng Tàu.

Anh Nguyễn Lâm Giang (ngụ Nhà Bè, TP.HCM) cho biết từ Nhà Bè đi Vũng Tàu rất xa, trong khi đó tuyến đường đi Vũng Tàu như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên bị kẹt xe. Do vậy, tàu cao tốc luôn là sự lựa chọn của gia đình anh mỗi khi đi Vũng Tàu.

Từ những lợi thế sông ngòi, kênh rạch, năm 2020 Sở GTVT sẽ triển khai thêm các dự án khác. Cụ thể, tuyến phà biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu sắp được khởi động. Theo đó, người dân từ Long An, Tiền Giang khi đến TP Vũng Tàu có thể đi qua phà Cần Giuộc - Cần Giờ (khoảng 30 phút). Sau đó đi theo đường Lý Nhơn, đường Rừng Sác với cự ly 40 km, thời gian hành trình khoảng 1 giờ đến bến Tắc Suất. Tiếp tục đi phà biển khoảng 30 phút để đến TP Vũng Tàu (hành trình cự ly khoảng 15 km/chiều). Tổng thời gian hành trình từ huyện Cần Giuộc đến TP Vũng Tàu chỉ khoảng 2 giờ 30 phút kể cả thời gian chờ phà.

Tương tự, tuyến buýt sông số 2 có chiều dài 10,3 km, xuất phát từ Bạch Đằng đến Lò Gốm cũng sẽ được triển khai trong năm nay.

Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ được khai thác vào tháng 4 năm nay. (Ảnh do Sở GTVT TP.HCM cung cấp)

Phát huy tiềm năng

Theo Sở GTVT TP.HCM, hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tổng số vốn đầu tư của hai tuyến vận tải này là 128,47 tỉ đồng.

Sau khi hai dự án này đi vào hoạt động, sẽ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP được thuận lợi hơn. Góp phần phát triển du lịch vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn TP, hỗ trợ cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải và phát triển du lịch đường thủy.

“Qua quá trình hoạt động, tuyến buýt đường thủy số 1 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng. Đây là loại hình mới, tạo tiền đề để phát triển vận tải hành khách và du lịch đường thủy TP. Người dân có cơ hội trải nghiệm và giới thiệu bạn bè, khách du lịch trong và ngoài nước khi đến thăm TP” - Sở GTVT đánh giá.

Đến cuối năm 2020, sau khi dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn hai và công trình cống kiểm soát triều Bến Nghé thuộc dự án chống ngập do triều cường hoàn thành, TP cũng sẽ đưa tuyến buýt sông số 2 đi vào hoạt động phục vụ người dân. Đồng thời, Sở GTVT cũng sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp để đẩy mạnh việc phát triển tuyến buýt sông số 1, thu hút hành khách chọn loại phương tiện công cộng này để đi lại.

Đại diện Sở GTVT cũng cho hay phà biển sẽ là phương tiện kết nối TP.HCM với Vũng Tàu một cách thuận lợi. Hiện sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan chọn được doanh nghiệp thực hiện đầu tư chuyến phà biển này. Trong tháng 4-2020 sẽ đưa vào khai thác.

Sở GTVT đánh giá khi tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đi vào hoạt động kết hợp với các tuyến phà hiện hữu như phà Bình Khánh, phà Cần Giờ - Cần Giuộc sẽ tạo điều kiện cho huyện Cần Giờ kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận. Từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của Cần Giờ.

Về tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu, ông Hoàng Song Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (chủ đầu tư), cho biết năm 2019 đơn vị đã thu hút khoảng 500.000 khách di chuyển từ TP.HCM đến Vũng Tàu. Như vậy, lượng khách đã tăng khoảng 7% so với năm trước. Kết quả này là câu trả lời cho thị trường về giao thông bằng đường thủy hiện nay. Bởi nhiều gia đình, hành khách đã thay đổi về suy nghĩ, lộ trình di chuyển và việc phát triển giao thông đường thủy là một xu thế tất yếu.

Tiềm năng phát triển giao thông thủy

Đại diện Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1) cho hay TP.HCM rất có tiềm năng để phát triển giao thông thủy. Bởi TP có hệ thống sông ngòi, kênh rạch lớn là điều kiện để mở các tuyến buýt, tuyến phà… nhằm khai thác tiềm năng dồi dào mà bấy lâu đã bị ngủ quên. Song song, TP cũng có thể kết hợp du lịch và vận tải để chia lửa với giao thông đường bộ hiện nay.

Đối với phà biển, nếu trước đây người dân từ Long An, Tiền Giang mất nhiều thời gian để di chuyển về Vũng Tàu khi đi qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vì thường xuyên kẹt xe thì nay người dân có thể lựa chọn lịch trình phù hợp thông qua phà biển sắp triển khai hoặc tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu.

Đối với buýt sông, do đã có lịch trình được lập sẵn nên hành khách muốn đi tuyến này phải tìm hiểu lộ trình để thuận tiện cho chuyến đi của mình. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện các bến chưa triển khai để tạo sự kết nối đồng bộ, khai thác tối đa khách hàng tiềm năng. Trong đó, khách sử dụng buýt sông vào mục đích đi lại phải chiếm ít nhất 20%.

Sắp có tuyến phà Bạch Đằng - Bình Dương

Đại diện một đơn vị vận tải cho biết khoảng tháng 4-2020, TP.HCM sẽ khánh thành tuyến phà từ TP.HCM đi Bình Dương. Tuyến này đi qua địa điểm du lịch địa đạo Củ Chi. Do vậy, tuyến phà sẽ phục vụ du lịch và vận tải hàng hóa, hứa hẹn là tuyến thu hút hành khách, từ đó giảm tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 22. Dự kiến thời gian từ TP.HCM đến Bình Dương khoảng 90 phút. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm