Năm 2025, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ hoạt động

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý kiến nghị của Bộ GTVT về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh). Theo đó, Chính phủ giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án. Dự kiến trong năm 2025, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ đi vào hoạt động.

Nỗ lực hoàn thành trong năm năm

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của hai địa phương và Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết với dự án này, TP.HCM và tỉnh Tây Ninh sẽ tự thực hiện giải phóng mặt bằng, phần xây lắp sẽ thực hiện theo hợp đồng BT. Hiện các đơn vị đang trình chủ trương đầu tư, cố gắng đầu năm 2022 sẽ khởi công.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 53,5 km, đi qua TP.HCM với chiều dài 24 km, tỉnh Tây Ninh gần 30 km. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 13.600 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5.100 tỉ đồng. Dự án này được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, các địa phương sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng.

Giai đoạn đầu được chia thành hai phần: TP.HCM - Trảng Bàng (33 km, quy mô bốn làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/giờ) và Trảng Bàng - Mộc Bài (20,5 km, bốn làn xe, tốc độ 80 km/giờ). Giai đoạn 2 sẽ làm 6-8 làn xe.

Theo kế hoạch, năm 2021 các đơn vị sẽ thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tháng 3-2021, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ năm 2022 đến 2025, tập trung triển khai dự án và hoàn thành, đưa cao tốc vào vận hành trong năm 2025.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giảm tải cho quốc lộ 22 bị quá tải nhiều năm nay. Ảnh: ĐÀO TRANG

Kỳ vọng nhiều năm của tỉnh Tây Ninh

Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, hiện nay trục kết nối giao thông chính giữa TP.HCM với Tây Ninh và các nước trong khu vực là quốc lộ 22. Tuy nhiên, tuyến giao thông này đã bị quá tải từ lâu, các phương tiện thường xuyên chịu cảnh kẹt xe kéo dài mới về được tới Tây Ninh. Như vậy, hiệu quả kết nối giữa tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là chưa cao.

Do đó, việc xây dựng tuyến cao tốc này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế tỉnh nhà. Chính vì vậy, nhiều năm nay tỉnh Tây Ninh luôn kỳ vọng dự án sớm được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực. Tỉnh quyết tâm phối hợp, đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ bắt đầu từ đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP.HCM), đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng (Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 22 kết nối với cửa khẩu Mộc Bài. 

Nói về vai trò kinh tế của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, ông Nguyễn Tấn Tài cho biết đây là một trong sáu hành lang kinh tế của TP.HCM kết nối với Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL. Đồng thời, cao tốc cũng nằm trong hành lang kinh tế kết nối đông tây phía Nam, bắt đầu từ Vũng Tàu - TP.HCM - Tây Ninh - Thái Lan - Campuchia - Myanmar.

Hơn hết, Tây Ninh là cửa ngõ kết nối với cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vẹt và giao thương trực tiếp với các nước ở khu vực Mekong. Chính vì vậy, đầu tư tuyến cao tốc này là yêu cầu bức thiết bởi không chỉ kết nối kinh tế liên vùng mà còn kết nối đa quốc gia.

“Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giảm hao phí về thời gian và vật chất, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh cho kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, cao tốc đi qua ba huyện của tỉnh Tây Ninh với chiều dài 28 km, đây là trục động lực góp phần phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Với tất cả ý nghĩa trên, tỉnh luôn mong muốn và sẵn sàng đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc này” - ông Tài chia sẻ.

Kỳ vọng vào dự án, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cho biết cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ là tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vẹt.

Cao tốc mới sẽ giúp giảm thời gian đi lại và chi phí vận chuyển, giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến Xuyên Á hiện nay. Đây cũng là cầu nối liền mạch với hạ tầng giao thông trong khu vực và quy hoạch khu tây bắc TP.HCM thông ba nút giao là vành đai 3, tỉnh lộ 8 và vành đai 4.

Song song với cao tốc sẽ là cơ hội mở ra cho các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Có cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thì đường tới cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vẹt, Campuchia và Thái Lan sẽ ngắn hơn, nhanh hơn. Điều này nhiều năm nay chúng ta chưa làm được. Đường sá thông thương, kinh tế Tây Ninh và khu vực Đông Nam bộ sẽ phát triển, mọi hoạt động giao thương với TP.HCM sẽ tăng trưởng hơn.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của một tuyến đường mới sẽ kéo theo sự phát triển nhiều ngành khác như bất động sản, khu công nghiệp, khu chế xuất... Chúng ta có thể tận dụng lợi thế này để có nguồn vốn đầu tư cho dự án này.

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm