Nên để Bộ GTVT quy định về báo hiệu đường bộ

Trên số báo ra ngày 15-8, Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết Bộ Công an muốn thay Bộ GTVT quy định về báo hiệu đường bộ”, theo đề xuất mới nhất trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an. Trước vấn đề trên, nhiều chuyên gia, người dân đã có góp ý về nội dung này.

Bộ Công an nên là đơn vị tham mưu

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng hệ thống báo hiệu đường bộ (BHĐB) nên để Bộ GTVT ban hành và được quy định trong Luật Giao thông đường bộ như hiện hành. Như vậy sẽ đảm bảo sự đồng bộ trong quá trình quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước…

“Theo quy định hiện hành, Bộ GTVT là đơn vị được phân bổ kinh phí quản lý, bảo trì thiết lập hệ thống biển báo đường bộ nên việc triển khai được nhanh gọn, phù hợp. Trường hợp giao nhiệm vụ này cho Bộ Công an cần phải sửa một số quy định pháp luật sẽ gây thêm khó khăn…” - ông Quyền nhận định.

Cạnh đó, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng Bộ Công an nên chủ trì tham mưu cho Nhà nước ban hành các chế tài xử lý vi phạm, Bộ GTVT thực hiện tham mưu ban hành các chế định. Như vậy hai cơ quan sẽ có sự giám sát lẫn nhau, phát hiện ra các mâu thuẫn, bất hợp lý. Nếu giao hết cho một bộ vừa thiết lập hệ thống biển báo vừa xử lý vi phạm sẽ rất thiếu khách quan.

Ngoài ra, hiện nay Bộ GTVT đang quản lý biển BHĐB một cách ổn định, không có vướng mắc gì. Khi phát hiện những biển báo còn bất cập, Bộ GTVT cũng rất cầu thị điều chỉnh, sửa đổi ngay. “Cạnh đó, việc thiết lập hệ thống biển báo luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam với chính quyền địa phương và tham khảo lực lượng CSGT ở khu vực này…” - ông Quyền cho hay.

Còn theo ông Võ Trọng Lương, giáo viên dạy lái xe, quy định về BHĐB do Bộ Công an hay Bộ GTVT phụ trách cũng sẽ là đơn vị phụ góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, với quy định này, để có sự chuyên sâu thì Bộ GTVT đảm nhiệm sẽ phù hợp hơn, bởi Bộ GTVT là đơn vị có cơ cấu hệ thống chuyên ngành xây dựng cơ bản. Do vậy, Bộ Công an chỉ nên là đơn vị tham mưu cho Bộ GTVT để việc quản lý được hiệu quả hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng vẫn nên để Bộ GTVT làm nhiệm vụ quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bộ GTVT đảm bảo chuyên ngành

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho rằng thời gian qua ngành giao thông đã làm rất tốt, công khai, minh bạch các nội dung về BHĐB. Quy định này có sự tách bạch giữa đơn vị lắp đặt và đơn vị xử phạt.

Cụ thể, hiện nay các chỉ tiêu kỹ thuật của BHĐB ngoài việc được cụ thể hóa trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB do Bộ GTVT ban hành còn phải đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ. Đồng thời, các chỉ tiêu này được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành công trình giao thông đường bộ. Khi Bộ GTVT phụ trách về BHĐB sẽ tạo sự đồng bộ giữa công tác quy hoạch đầu tư, xem xét, thẩm định hồ sơ thiết kế xây dựng các công trình.

Ngoài ra, trong quá trình khai thác, ngành giao thông sẽ có quá trình đánh giá, thẩm định an toàn giao thông cho phù hợp hơn. Qua đó, đơn vị sẽ phát hiện những bất cập, sai sót trong việc lắp đặt biển báo kịp thời.

Hiện nay, việc đầu tư và xây dựng các công trình giao thông được giao cho Sở GTVT chịu trách nhiệm chính. Trong đó, bao gồm các hạng mục biển báo, hệ thống tín hiệu giao thông đường bộ… đây là một hạng mục trong việc đầu tư các công trình giao thông. “Do vậy, để Bộ GTVT quy định về BHĐB là phù hợp và đảm bảo chuyên ngành hơn” - vị đại diện này nói.

Bộ Công an chỉ nên quản lý về trật tự an toàn giao thông

TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng tất cả biển báo và thông số trên đường đều do ngành giao thông thiết kế, chế tạo và lắp đặt. Từ đó, chỉ có ngành giao thông mới hiểu về các biển báo này. Nếu chúng ta giao quy định về BHĐB về Bộ Công an thì đơn vị này sẽ lấy thông tin ở đâu?

TS Mai cho rằng nếu giao quy định về BHĐB về Bộ Công an thì bộ này phải đi hỏi Bộ GTVT, như vậy rất mất thời gian và không đúng chức năng. Hiện nay, tất cả cầu cống, bến bãi, sân bay, bến cảng… đều do Bộ GTVT làm và chỉ Bộ GTVT mới nắm được thông số kỹ thuật.

Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông thì nên để Bộ GTVT quy định về BHĐB, Bộ Công an chỉ nên quản lý về trật tự an toàn giao thông. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm