Người miền Tây hân hoan đón cầu dây văng thứ hai qua sông Hậu

Từ sáng sớm, rất nhiều người dân của ba tỉnh, thành gồm Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp đã háo hức đổ về đây để được là những người đầu tiên chạy xe lên cây cầu mới.

Ông Võ Hoàng Hải, nhà ở Ô Môn, cách cầu Vàm Cống 30 km, tấm tắc: “Cầu đẹp quá. Miền Tây có cây cầu này quan trọng lắm. Từ nay giao thông, thương mại sẽ thuận tiện hơn nhiều”. Đứng gần đó, ông Huỳnh Văn Tấn (62 tuổi) góp chuyện: “Háo hức lắm, ba ngày nay tôi không ngủ được. Từ nay sẽ không còn cảnh kẹt đò nữa, giao thông kết nối liên tỉnh, mai mốt đi TP.HCM cũng gần hơn”.

Nhà cũ của bà Lương Thị Diễm Kiều ngay dốc cầu Vàm Cống. Nghe tin cầu khánh thành, bà Kiều cùng bà con hàng xóm náo nức đến xem. Bà chia sẻ quê ở Sa Đéc (Đồng Tháp), lấy chồng về Cần Thơ. “Từ nay về quê ngoại không phải chờ phà nữa, mừng quá trời luôn” - bà Kiều vui vẻ nói.

Chia sẻ về công trình quan trọng này, ông Ko Byeong Woo, Trưởng Ban hạ tầng nhà thầu Liên danh GS E&C - Hanshin E&C (Hàn Quốc), cho biết đơn vị thi công đã áp dụng những công nghệ rất tiên tiến như kiểm soát hình vị, sử dụng hệ ván trượt, hệ thống quan trắc sức khỏe cầu… “Xây cầu Vàm Cống là nhiệm vụ không đơn giản, chúng tôi tự hào vì đã đạt được 9 triệu giờ làm việc an toàn. Xin chân thành cám ơn mọi người đã hỗ trợ to lớn cho thành công hôm nay”.

Những phương tiện và người dân đầu tiên trải nghiệm cầu Vàm Cống. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Theo ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, cầu Vàm Cống là cây cầu thứ hai bắc qua sông Hậu đáp ứng mong mỏi bao đời của người dân ĐBSCL nói chung và người dân khu vực Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên nói riêng.

Trước đó có cầu Cao Lãnh thông xe vào tháng 5-2018, nay hợp với cầu Vàm Cống vừa khánh thành và cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dự kiến hoàn thành vào quý I-2020 sẽ hình thành trục giao thông quan trọng thứ hai, kết nối TP.HCM với khu vực Tây Nam bộ, giảm tải cho trục dọc quốc lộ 1 hiện hữu, đồng thời từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây theo quy hoạch.

“Tiếp theo các công trình cầu dây văng đã hoàn thành trong khu vực, cầu Vàm Cống một lần nữa khẳng định kỹ sư Việt Nam hoàn toàn đủ sức thực hiện những cây cầu lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao” - ông Thi tự hào.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cũng nhận định sự kiện khánh thành cầu Vàm Cống đã tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của TP và cả vùng ĐBSCL.

“TP và tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT giữ gìn, quản lý, khai thác hiệu quả công trình, đảm bảo an toàn, bền vững; tận dụng lợi thế có cầu để đẩy mạnh xây dựng, phát triển toàn khu vực” - ông Thống định hướng.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay để phát huy công năng cầu Vàm Cống và tuyến đường Hồ Chí Minh nói chung, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ triển khai thêm một số công trình kết nối cho tuyến đường này.

Cụ thể, xây xong cầu Vàm Cống còn dư hơn 1.000 tỉ đồng, Bộ đang triển khai giải phóng mặt bằng để sớm khởi công tuyến tránh TP Long Xuyên, kết nối với cầu. Tiếp đó Bộ sẽ tham mưu Chính phủ hình thành trục cao tốc ngang, kết nối Châu Đốc với Phnom Penh (Campuchia) và từ Châu Đốc qua Long Xuyên, xuống Cần Thơ, tới Sóc Trăng.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, dài 2,97 km và đường dẫn khoảng 5,8 km. Dự án đi qua huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, huyện Vĩnh Thành và quận Thốt Nốt của TP Cần Thơ. Mặt cắt ngang cầu 24,5 km, bao gồm bốn làn ô tô, hai làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư thực tế khoảng 5.465 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm