Nguy cơ nhiều cầu cũ, yếu bị tàu va là sập

Ngày 26-7, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện các đơn vị trực thuộc đang triển khai khẩn cấp thi công các trụ chống va xô, chống đâm mới để bảo vệ các cầu nằm trên các tuyến giao thông thủy, bộ trọng yếu.

"Hệ thống chống va xô ở các cầu trọng yếu này đã làm trên 20-30 năm trước, nay đã cũ, mục trong điều kiện nước sông, kênh ngày càng nhiễm các chất ăn mòn cao nên tốc độ rỉ sét, tự đổ gãy càng cao, khả năng chống va xô ngày càng kém. Vì thế phải phải gấp rút thay thế bằng các trụ chống va kiểu mới với độ bền, cứng, chống ăn mòn, chịu lực va xô lớn hơn và tốn ít công, tiền duy tu, bảo dưỡng hơn!" - ông Đường cho biết.

Cho đến nay vụ sà lan tông sập cầu Bình Điền hồi giữa năm 2001 vẫn là ám ảnh lớn đối với giao thông TP.HCM và khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ. Sau khi cầu Bình Điền sập, giao thông giữa các vùng bị đứt trong suốt nhiều tháng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tông sập cầu này là bản thân cầu (theo thiết kế cũ) không có khả năng tự chống va xô và quanh cầu (nhất là ở các trụ nằm trong khoang thông thuyền) không có các trụ chống va xô.

Liền đó, các năm sau năm 2001, quanh các cầu cũ, trọng yếu về giao thông thủy bộ được đóng hệ cọc giằng thép với mỗi trụ chống va (ở trước và sau trụ của khoang thông thuyền) là ba trụ thép chữ I cắm xuống sông, rạch và giằng lại với nhau bằng các thanh thép ngang, chéo hàn liên kết lại. Trong ảnh: Hệ cọc, trụ chống va xô ở cầu Tân Thuận 1 được làm sau năm 2001.

Nhưng sau nhiều năm, nhiều trụ chống va bị cũ, mục tự gãy hoặc đổ do tàu thuyền va quệt vào. Trong ảnh: Trụ chống va ở cầu Chữ Y bị sà lan va quệt gãy phần trụ chính và "ném" hệ đà giằng bên trên xuống kênh Đôi hồi tháng 11-2017.

Từ năm 2017, Sở GTVT bắt đầu xây dựng trụ chống va xô thế hệ mới. Đó là các cọc bê tông cốt thép tròn có đường kính mỗi cọc 800-1.000 mm, cắm sâu 20-30-40 m xuống lòng sông, kênh phía trước trụ cầu chính. Mỗi trụ chống va có ba cọc, đóng theo hình tam giác và phía trên đỉnh được đúc liên kết lại với nhau. Quanh các cọc, trụ này sẽ gắn các mảng, miếng cao su lớn hoặc lốp xe hơi để giảm mức độ va xô của sà làn, tàu thuyền vào trụ. Trong ảnh: Một trong những trụ chống va thế hệ mới đang được thi công ở cầu Bình Điền.

Lồng cốt thép nằm bên trong cọc chống va được sản xuất ngay trên sà làn ở công trường làm các trụ chống va cho cầu Bình Điền.

Ở cầu Rạch Ông, nối giữa quận 7 và 8, các cọc trụ chống va mới đang được thi công song song với việc tháo dỡ các trụ, cọc chống va bằng thép cũ đã mục rỉ. Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4, cây cầu này nằm ngay trên ngã ba sông Rạch Ông và kênh Tẻ là hai tuyến giao thông thủy quan trọng đi về kênh Đôi, sông Chợ Đệm và đi về miền Tây qua sông Soài Rạp, Nhà Bè... "Do tầm quan trọng của cả thủy, bộ nên trụ chống va mới ở cầu Rạch Ông phải hoàn thành trong thời gian tới!" - ông Vinh cho biết.

Theo ông Ngô Hải Đường, hiện còn hàng loạt cây cầu trọng yếu khác như Tân Thuận 1, Bà Tàng, Hiệp Phước, Chữ Y... phải làm trụ chống va thế hệ mới thay cho loại cũ. Còn ông Nguyễn Xuân Vinh tỏ ra lo lắng khi càng ngày càng có thêm nhiều tàu thuyền tải trọng lớn lưu thông trong khi mức độ ô nhiễm, độ ăn mòn của nước các sông, kênh càng lớn nên nguy cơ bị ăn mòn nhanh, bị đâm va vào các trụ chống va cũ ngày càng cao.

Trụ chống va ở cầu Tân Thuận 1 hiện đã quá cũ trong khi tàu thuyền, sà lan tải trọng lớn qua đây ngày càng nhiều nên nguy cơ đâm va, gây nguy hiểm cho cầu này ngày càng cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm