Nhiều giải pháp cấp bách cứu quá tải Tân Sơn Nhất

“Các đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Hiện đề xuất đang chờ Bộ xem xét, đánh giá phối hợp cùng các phương án mà nhóm chuyên gia TP.HCM vừa trình Sở GTVT TP để chọn ra phương án khả thi nhất trình lên Thủ tướng vào cuối năm nay”.

Ngày 2-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN, cho biết về các phương án cấp bách để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) 40 triệu khách/năm và nâng giờ cất/hạ cánh (slot) của cảng...

Sớm giải cứu quá tải Tân Sơn Nhất

Theo văn bản gửi Bộ GTVT, Cục trưởng Cục HKVN, khẳng định hạ tầng quá tải trầm trọng tại TSN đã khiến cảng hàng không này “thường xuyên ùn tắc trên trời, trong khu bay, trong nhà ga, khiến chất lượng dịch vụ sụt giảm”.

Theo đó, Cục Hàng không đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công dự án mở rộng sân đậu máy bay phía Bắc hoàn thành trong quý II-III năm 2018 (thay vì quý I-2019). Đưa các vị trí đậu máy bay qua đêm tại khu vực 19,79 ha đất quân sự tạm bàn giao vào khai thác thương mại ngay trong tháng 8-2017. Đồng thời đẩy mạnh tiến độ thi công dự án sân đậu máy bay tại đây theo phương án tổ chức thi công thành nhiều giai đoạn. Đưa vào khai thác từng phần của dự án nhằm tăng số lượng vị trí đậu tại cảng. Hoàn thành toàn bộ dự án trong 6-8 tháng để đưa vào khai thác trong quý I-2018.

Cục HKVN cũng đề nghị xây dựng phương án sử dụng linh hoạt vị trí đậu máy bay, quầy thủ tục hành khách tại các nhà ga, hoàn thành ngay trong quý III-2017.

Cục Hàng không đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công dự án mở rộng sân đậu máy bay phía Bắc. Trong ảnh: Một góc bãi đậu máy bay trong sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cục HKVN đề xuất tăng giờ cất/hạ cánh (slot) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không khai thác. Kiểm tra, giám sát hãng hàng không khai thác thực tế đúng với slot được phân bổ. Ngoài ra, ngành hàng không đề xuất các slot không khai thác bảy tuần liên tục trở lên, tỉ lệ khai thác đúng giờ không đạt 80% sẽ không được tính ưu tiên khi phân bổ slot.

Cục HKVN cũng đưa ra các giải pháp dài hạn đến năm 2020. cơ quan này đề xuất xây dựng nhà ga hành khách T4 với công suất 15-20 triệu khách/năm. Bên cạnh đó, nghiên cứu phương án xây dựng thêm một tầng tại nhà ga hành khách quốc nội để bổ sung diện tích phục vụ hành khách. Xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận đồng bộ với nhà ga T4 từ đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, đường nội bộ Sư đoàn 370. Xây dựng đường lăn song song thứ hai và các đường lăn nối đồng bộ...

Đề xuất đáng trân trọng, nhưng…

Đánh giá về những đề xuất này, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng đề nghị của Cục trưởng Cục HKVN rất đa dạng và đồng bộ... nhằm tăng năng lực khai thác, nâng công suất sân bay.

Tuy nhiên, TS Phạm Sanh cũng cho hay nếu nhìn kỹ các giải pháp này đều có điểm tương đồng mà Bộ GTVT đã trình Chính phủ trước đó. Đây không phải là giải pháp tốt cho giao thông để ra khỏi sân bay. Bởi vì nếu chọn cửa ra vào đường Hoàng Hoa Thám có nguy cơ gây kẹt xe trầm trọng thêm cho đường Cộng Hòa hiện nay vốn đã quá tải và thường xuyên kẹt xe. Còn nếu làm thêm đường song hành nữa thì không biết bao giờ mới xong.

“Cục trưởng Cục Hàng không đưa ra các giải pháp trước mắt như trên là rất đáng trân trọng. chúng ta phải tính đến các phương án lâu dài bởi phải lường trước mức độ rủi ro về tăng trưởng hàng không; việc xây dựng sân bay Long Thành...” - TS Phạm Sanh nói.

Cũng theo TS Phạm Sanh, khi Bộ GTVT trình Thủ tướng xem xét phương án mở rộng sân bay TSN thì có vấn đề đặt ra là còn xây dựng sân bay về phía Bắc được không. Để có thêm dữ liệu đưa ra kết luận, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT mời tư vấn nước ngoài nghiên cứu. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đưa ra các góp ý, phản biện một số phương án mở rộng theo hướng Bắc, gồm việc mở thêm đường cất/hạ cánh hoặc không có thêm đường cất/hạ cánh thứ ba. “Tôi nghĩ những nghiên cứu, đóng góp này sẽ giúp tìm được giải pháp tốt nhất cho TSN...” - TS Phạm Sanh cho hay.

Hàng không đang tăng trưởng nóng

Theo Cục HKVN, với năng lực hạ tầng hiện có, sân bay TSN chỉ đáp ứng khai thác 28 triệu khách/năm. Tuy nhiên, năm 2016, sản lượng thông qua nhà ga hành khách đã đạt 32,2 triệu khách. Năm 2017, con số này dự kiến sẽ đạt tới 36,2 triệu khách.

Đáng nói hơn, trong các năm tới nhu cầu tăng trưởng của TSN vẫn đạt trung bình 10%-15%/năm giai đoạn đến năm 2020. Đạt 3%-10%/năm giai đoạn đến năm 2025 (với nhu cầu tối thiểu đạt 38-40 triệu khách vào năm 2018 và 43-45 triệu khách vào năm 2020).

Về hệ thống sân đậu, con số 50 vị trí phục vụ khai thác thương mại là quá thiếu so với nhu cầu (khoảng 80-82 vị trí đậu).

Phải giải quyết kết nối giao thông xung quanh

Đề xuất của Cục HKVN về việc nâng công suất sân bay TSN lên là sẽ thực hiện được. Các biện pháp xây dựng thêm một tầng nhà ga hiện hữu, xây sân đỗ và xây nhà ga mới T4 sẽ có thể thực hiện nhanh chóng về mặt kỹ thuật bởi vì sân bay TSN không thiếu đất để xây dựng những hạng mục này.

Tuy nhiên, khi nâng công suất lên như vậy sẽ phải quan tâm đến tác động của môi trường, ô nhiễm tiếng ồn... ảnh hưởng người dân khu vực lân cận. Vấn đề mà chúng ta cần nhìn nhận và giải quyết tại TSN là việc kết nối hệ thống giao thông xung quanh, tạo lối ra để không bị ùn ứ, tắc nghẽn.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM

HỒNG TRÂM ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm