Nhiều nơi cho xe liên tỉnh hoạt động trở lại

Ngày 23-4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh trên cả nước về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe ô tô.

Đồng thời, Sở GTVT một số địa phương cũng đã triển khai hoạt động giao thông liên tỉnh trở lại sau một thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Thống nhất biểu đồ chạy xe

Tổng cục Đường bộ cho biết căn cứ theo xếp hạng nhóm (nhóm nguy cơ, nhóm nguy cơ thấp) và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT chủ động liên hệ, trao đổi với nhau để thống nhất biểu đồ chạy xe tuyến cố định liên tỉnh.

“Nguyên tắc thực hiện tần suất chạy xe, theo mức của địa phương có quy định mức tần suất chạy xe thấp hơn (nhóm nguy cơ), đồng thời thông báo cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh, bến xe để triển khai thực hiện…” - Tổng cục Đường bộ cho hay.

Theo Tổng cục Đường bộ, trường hợp các tỉnh, TP tiếp tục thực hiện phương án tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, Sở GTVT phải có trách nhiệm thông báo ngay cho Sở GTVT các địa phương có tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh đi qua được biết. Mục đích để thống nhất phương án hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải triển khai thực hiện…” - Tổng cục Đường bộ hướng dẫn thêm.

Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi và tuyến cố định nội tỉnh, tùy theo điều kiện thực tế, Sở GTVT đề xuất tham mưu UBND tỉnh, TP để có quy định cụ thể.

Các doanh nghiệp vận tải liên tỉnh chỉ chạy tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các địa phương thuộc nhóm có nguy cơ thấp. Ảnh: TẤN VIỆT

Chạy tối đa 50% biểu đồ

Sau khi có văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT một số địa phương cũng đã tiến hành chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị vận tải thực hiện.

Trong đó, các tỉnh, thành này đều yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện biểu đồ chạy xe liên tỉnh theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT. Cụ thể, các xe tuyến cố định chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đối với các địa phương thuộc nhóm có nguy cơ. Chạy tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các địa phương thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn một chuyến/tuyến).

Đối với các xe hợp đồng, xe du lịch chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các địa phương thuộc nhóm có nguy cơ. Chạy tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Hàng không khai thác trở lại các đường bay nội địa

Ngày 23-4, hãng hàng không Bamboo Airways, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và VietJet đều thông báo khai thác trở lại các đường bay nội địa.

Điển hình, từ ngày 23 đến 30-4, Bamboo Airways khai thác bốn chuyến bay khứ hồi/ngày đối với đường bay Hà Nội - TP.HCM.

Các đường bay nội địa từ Hà Nội đi sân bay Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc; TP.HCM đi sân bay Hải Phòng, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Vinh sẽ thực hiện một chuyến bay khứ hồi/ngày.

Cũng trong ngày 23-4, Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai tới các đơn vị liên quan về một số quy định.

đáng chú ý, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam thực hiện giãn cách trên máy bay phòng lây nhiễm dịch COVID-19. Các hãng chỉ được bố trí ngồi liền nhau đối với nhóm khách là những người sống trong cùng một gia đình và nhóm khách là những người vừa hoàn thành thời gian cách ly và/hoặc có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính dịch COVID-19. 

Chiều 23-4, trao đổi với PV, ông Cao Tấn Lợi, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đã cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách ở tỉnh này hoạt động trở lại.

“Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các bến xe khách phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải đang khai thác tại bến thực hiện bố trí phương tiện điều chỉnh, đảm bảo cắt giảm 50% số chuyến xe theo biểu đồ, đồng thời mỗi xe vận chuyển không quá 20 người” - ông Lợi nói.

Chiều cùng ngày, ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cũng cho hay đã thông báo đến các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, bến thủy nội địa về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đối với các đơn vị vận tải liên tỉnh, ngoài chạy theo biểu đồ như yêu cầu của Bộ GTVT, các đơn vị này phải thỏa thuận với Sở GTVT địa phương nơi đến, nơi đi qua để nắm bắt tình hình hoạt động vận tải. Nếu được Sở GTVT nơi đến, nơi đi qua cho phép hoạt động thì Sở GTVT tỉnh Quảng Nam sẽ thông báo đến các đơn vị triển khai thực hiện.

Tương tự, cũng trong ngày 23-4, Sở GTVT nhiều địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Định, Đồng Tháp, Vũng Tàu… đều phát đi thông tin đã cho các đơn vị kinh doanh vận tải liên tỉnh hoạt động trở lại. Trong đó, ngoài việc thực hiện theo đúng biểu đồ chạy xe theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các doanh nghiệp vận tải phải thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của các cấp.

Đường sắt tăng thêm chuyến

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn vừa cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, công ty cho chạy lại nhiều chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn đi các địa phương và ngược lại.

Cụ thể, tàu SE2 tại ga Sài Gòn lúc 21 giờ 55, đến ga Hà Nội lúc 5 giờ 30. Tàu SE1 từ ga Hà Nội lúc 22 giờ 15, đến Sài Gòn lúc 5 giờ 45.

Tàu SE3 Hà Nội - Sài Gòn xuất phát từ ga Hà Nội lúc 19 giờ 25, đến ga Sài Gòn lúc 4 giờ 38. Tàu SE4 Sài Gòn - Hà Nội điều chỉnh giờ xuất phát ga Sài Gòn lúc 19 giờ 25 (thay vì xuất phát lúc 20 giờ 30 trước đây) và đến Hà Nội lúc hơn 4 giờ.

Tàu SE5 chạy tại ga Hà Nội lúc 8 giờ 50, đến ga Sài Gòn lúc 18 giờ 55. Tàu SE6 chạy tại ga Sài Gòn lúc 8 giờ 45, đến ga Hà Nội lúc 19 giờ 12.

Ngoài ra, ga Sài Gòn còn tổ chức chạy lại một số chuyến tàu khách khu đoạn. Cụ thể, tàu SE21/22 (Sài Gòn - Đà Nẵng) chạy lại từ ngày 25-4, tàu SNT1/2 (Sài Gòn - Nha Trang) và tàu SPT1/2 (Sài Gòn - Phan Thiết) chạy lại từ ngày 29-4.

Như vậy, hiện tại ngành đường sắt sẽ có ba đôi tàu khách chạy hằng ngày: SE1/2, SE3/4 và SE5/6 trên tuyến Hà Nội - TP.HCM cùng một số tàu chặng ngắn nhằm phục vụ hành khách.

Ngoài ra, tại ga Sài Gòn, Sở Y tế TP.HCM dừng thực hiện lấy mẫu dịch COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 23-4 đối với hành khách đi tàu về tới ga. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm