Nhiều ý kiến đóng góp cho 2 dự luật giao thông

Sáng 30-9, tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã diễn ra hội thảo Góp ý dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Tại hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình với việc tách Luật GTĐB 2008 thành hai dự luật mới và cần được ban hành cùng lúc. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát cả hai dự luật để tránh trùng lặp, đồng thời lưu ý các vấn đề về giáo dục, hợp tác quốc tế

Cần rà soát hai dự luật

Về việc tách Luật GTĐB 2008 ra thành hai luật mới, luật sư Trương Thị Hòa tán thành vì công ước quốc tế cũng tách thành hai luật là luật giao thông và an toàn. “Vừa rồi có ý kiến giao ngành nào cũng được nhưng cần tăng cường giám sát, quản lý. Tôi đồng tình với việc giao cho ngành công an liên quan đến quá trình an toàn giao thông” - luật sư Hòa nói.

Góp ý thêm, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng cả hai dự luật chưa có sự chú ý về vấn đề sản xuất phương tiện giao thông. Do vậy, cả Bộ GTVT và Bộ Công an cần chú ý đến quy tắc - tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện giao thông (ô tô và xe máy). Ngoài ra, về tên của dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, luật sư Hòa đặt câu hỏi: “Tại sao phải có từ “bảo đảm” vì có thể sẽ không bảo đảm nổi”.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết Luật GTĐB đã ban hành 12 năm, trong khi đó thực tiễn giao thông đang thay đổi rất nhanh, vì vậy luật nên có những điều khoản mở cho TP.HCM và Hà Nội. Theo ông An, hiện có rất nhiều hình thức giao thông thông minh như xe điện cho thuê, xe không người lái… “Quốc hội nên giao cho Chính phủ quyết định và giao cho các địa phương chủ động hơn về giao thông ở địa phương mình” - ông An nêu ý kiến.

Một vấn đề khác mà các đại biểu lưu ý là hai dự luật cần chú ý đến vấn đề giáo dục, nhất là học đường. Hơn nữa, hội nhập, hợp tác quốc tế nói đến GTĐB thì không thể không chú ý vấn đề này.

Ông Trần Thảo, đại diện Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, góp ý tại hội thảo. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Bộ Công an quản lý giấy phép lái xe sẽ chủ động

Góp ý về đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) sang Bộ Công an, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công an quản lý sẽ hiệu quả và chủ động hơn.

“Xử lý hành vi vi phạm về giao thông và công tác cấp, sát hạch GPLX cần có thông tin cơ sở dữ liệu về con người. Hiện nay Bộ Công an đang tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về công dân nên công an có thông tin xử lý ngay từ đầu dễ dàng hơn khi vi phạm giao thông cũng như thông tin liên quan đến GPLX” - ông Trần Thảo, đại diện Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, phát biểu.

Theo ông Thảo, nên mạnh dạn giao việc quản lý, sát hạch GPLX về Bộ Công an là hợp lý. Về công tác đào tạo, thực tế hiện nay cho thấy không phải cơ sở đào tạo nào cũng tốt, không phải cơ sở nào cũng đáp ứng tiêu chuẩn.

Đồng tình, Thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM) cũng thống nhất với quy định về trách nhiệm Bộ Công an trong quản lý, đào tạo, sát hạch GPLX mà dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB đề cập.

“Hiện chỉ tiêu an toàn giao thông thì áp cho quận/huyện, tai nạn ở đâu thì nơi đó chịu trách nhiệm là chưa rõ ràng về mặt kinh tế kỹ thuật giao thông, dẫn đến tình trạng hiệu quả quản lý nhà nước chưa rõ ràng. Việc tách ra hai luật sẽ làm cho việc quản lý giao thông được tốt hơn” - ông Hà nói.

Kết luận tại hội thảo, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết: “Tôi tiếp thu ý kiến góp ý cho hai dự luật này. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều nhận thấy sự cần thiết ban hành hai dự luật và ban hành cùng lúc”.

Theo bà Tuyết, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV lần này sẽ cho ý kiến lần đầu về các dự luật trên, đến phiên đầu tiên Quốc hội khóa mới 2021 mới tiến hành biểu quyết, dự kiến tháng 1-2022 dự luật sẽ có hiệu lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm