Nhìn từ trạm thu phí T2: 'Nồi cơm' của DN không còn lo bể

Bộ GTVT vừa thông báo về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Nhật coi như đã chốt phương án xử lý bất cập tại trạm thu phí T2 trên quốc lộ (QL) 91. Với phương án được chọn để trình Thủ tướng Chính phủ thì thấy rõ “nồi cơm” của doanh nghiệp (DN) không còn lo bể, nhưng xem ra quyền lợi của dân và Nhà nước có vẻ như đã bị coi nhẹ!

Trạm BOT T2 trên QL91.

Trong năm phương án mà Tổng cục Đường bộ đưa ra, cuối cùng phương án được Bộ GTVT cho là “phương án tối ưu" được thống nhất để nghiên cứu là “không thu tiền dịch vụ sử dụng tại trạm T2 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư QL91B (từ nguồn ngân sách của TP Cần Thơ hoặc trung ương)”.

Các bên liên quan khẩn trương thực hiện các phần việc của mình. Trong đó, quan trọng nhất là phương án hỗ trợ nguồn vốn ngân sách cho phần đầu tư QL91B, tính toán phương án tài chính, phân tích ưu nhược điểm và trình Bộ GTVT. Đồng thời rà soát, dự kiến tính toán phương án tài chính và phương án thực hiện trong trường hợp TP Cần Thơ tiếp nhận lại đoạn tuyến QL91B để báo cáo Bộ GTVT. Tỉnh An Giang có nhiệm vụ gửi văn bản cho Bộ về phương án chọn để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Vì sao Bộ lại chọn phương án này khi mà trước đây, Tổng cục Đường bộ cũng đã đưa ra năm phương án cho trạm thu phí T2. Trong đó, theo tính toán nếu áp dụng phương án không thu phí trạm thu phí T2 thì Nhà nước hỗ trợ khoảng 850 tỉ đồng và điểm khó nhất của phương án này chính là Nhà nước phải bố trí ngân sách để hỗ trợ cho dự án. Do hiện nay chưa có dự án nào được thực hiện theo hình thức này, đã có sự lo ngại nếu thực hiện có thể sẽ gây hiệu ứng đối với các dự án khác. Nhưng giờ đây các bên lại thống nhất phương án “không thu tiền dịch vụ sử dụng tại trạm T2 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư QL91B".

Nếu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đây là dự án BOT đầu tiên được ngân sách nhà nước hỗ trợ mà nói thẳng ra là bỏ tiền mua lại. Một tiền lệ có khả năng sẽ mở đầu cho những làn sóng BOT khác khi thấy khó "làm ăn" sẽ lại đẩy cái khó cho Nhà nước.

Chủ đầu tư BOT QL91B từng kiến nghị số tiền 880 tỉ đồng, gồm 400 tỉ tiền giải phóng mặt bằng và 480 tỉ chi phí xây dựng. Dĩ nhiên, chủ đầu tư sẽ phải chứng minh cụ thể các khoản đã bỏ ra và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt. Nhưng con số này quả thật là đắt đỏ đối với một dự án đầy tai tiếng như QL91B (dự án được khởi động từ tháng 1-1995 và sau nhiều năm, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 455 tỉ đồng).

Bức xức cho dư luận là sau hơn 15 năm triển khai, tháng 6-2019, QL91B chính thức thông xe, nhưng sau đó không lâu thì tuyến đường này liên tục xảy ra hư hỏng  phải  sửa tới, sửa lui và bốn năm sau phải làm tiếp một dự án BOT để “chữa cháy” bằng cách ghép vào dự án BOT QL91.

Xã hội hóa, chủ đầu tư phải tính toán cặn kẽ và chẳng ai ép chủ đầu tư phải làm cho bằng được. Trong làm ăn, dĩ nhiên DN không thể bỏ qua bước tính toán lợi nhuận, nhưng khi nguy cơ phương án tài chính bị “vỡ trận”, bể "nồi cơm” lại đẩy cục khó ấy cho Nhà nước.

Giải pháp dùng ngân sách nhà nước mua lại dự án là một tiền lệ nguy hiểm cho các BOT khác. Không thể cứ chăm chăm nhìn vào chuyện lo bể "nồi cơm” của chủ đầu tư mà coi nhẹ quyền lợi của người dân và lợi ích của Nhà nước.

Việc lấy tiền ngân sách dù của Trung ương hay của địa phương, cũng là từ  tiền thuế của người dân. Và kiểu thay vì "trả dần" ở hình thức mua vé sang "trả một lượt" cho nhà đầu tư thì đằng nào dân cũng thiệt!

Chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư không có nghĩa mà bỏ quên quyền và lợi ích của dân cũng như của chính Nhà nước! Và hơn cả, ngân sách nhà nước cũng không phải là "nồi cơm Thạch Sanh"!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm