Phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Bộ GTVT vừa phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tiếp thu đầy đủ nội dung thẩm định của Vụ đối tác công - tư và hoàn chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển trước khi đăng tải thông báo mời sơ tuyển.

Các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông.

Bộ này cũng giao hai ban quản lý trên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bên mời thầu, tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.

Được biết các hồ sơ mời sơ tuyển lần này có giảm một số tiêu chí về nhà đầu tư để phù hợp với năng lực doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, về năng lực kinh nghiệm, nhà đầu tư đủ điều kiện khi từng tham gia một gói thầu xây lắp có giá trị vốn tối thiểu bằng 20% giá trị xây lắp của dự án tham gia đấu thầu (thay vì mức 30% như hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế trước đó).

Về liên danh nhà đầu tư, vẫn giữ quy định nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải chiếm ít nhất 30% vốn góp trong liên danh, mỗi liên danh không quá năm nhà đầu tư. Nhưng bỏ quy định các nhà đầu tư khác tham gia trong liên danh phải chiếm tối thiểu 15% vốn góp. Như vậy, các nhà đầu tư tham gia liên danh (trừ nhà đầu tư đứng đầu) chỉ cần 5%-10%, thậm chí thấp hơn đều được.

Ngoài ra, nhà đầu tư có phần vốn nước ngoài vẫn được tham gia đầu tư (hoặc tham gia các liên danh nhà đầu tư) với điều kiện phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% (tức nhà đầu tư nước ngoài không nắm cổ phần chi phối).

Bộ GTVT cho biết quy định này nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia, vì hiện có nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. Hoặc nhà đầu tư nước ngoài có thể liên kết doanh nghiệp trong nước lập pháp nhân mới, nhưng phần vốn góp của nhà đầu tư ngoại cũng không được vượt quá 51% (theo Luật Đầu tư năm 2014).

Với các quy định như vốn chủ sở hữu, không bảo lãnh tỉ giá… vẫn giữ nguyên như Nghị quyết của Quốc hội. “Trường hợp không tìm được nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội chuyển sang đầu tư công…” - Bộ GTVT cho biết.

Trước đó, ngày 14-9, bộ trưởng Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước đối với tám dự án thành phần, đầu tư theo hình thức công - tư (PPP).

Mục tiêu phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án quan trọng quốc gia, nhằm phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Việc hủy sơ tuyển đã được quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành “bên mời thầu có quyền hủy sơ tuyển mà không cần nêu bất kỳ lý do nào”.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Bộ GTVT dự kiến mở thầu tháng 11-2019, hoàn thành công tác sơ tuyển nhà đầu tư trong tháng 2-2020. Tiếp đến, tháng 4-2020, phát hành hồ sơ mời thầu và hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 11-2020.

Theo Bộ GTVT so với tiến độ Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2018, đến nay tiến độ của ba dự án đầu tư công cơ bản bảo đảm, riêng tám dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ phải kéo dài thêm khoảng ba tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm